Gia đình ông Trần Văn Diệm, xóm 8, xã Kim Chính, huyện Kim Sơn đã hoạt động trong lĩnh vực đánh bắt thủy hải sản xa bờ khoảng hơn 30 năm nay, tuy nhiên quy mô đánh bắt còn nhỏ với 2 con tàu vỏ gỗ. Qua tìm hiểu và được chính quyền địa phương tuyên truyền, ông được biết đến Nghị định 67 của Chính phủ và một số chính sách phát triển thủy sản, tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới tàu khai thác hải sản công suất lớn, sức chống chịu va đập lớn, khả năng đi biển dài ngày kết hợp với đầu tư thiết bị dò tìm cá hiệu quả.
Đây là điều ông mong muốn bấy lâu nay để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản và giảm chi phí cho ngư dân. Từ sự hỗ trợ của các ngành, các cấp năm 2016, ông Diệm đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn để vay vốn đóng mới tàu cá với hợp đồng tín dụng là trên 18 tỷ đồng.
Theo thiết kế đây là tàu vỏ thép, lưới rê có chiều dài 29,5m, rộng 7,4m, cao 3,1m; trọng tải 238 tấn; sử dụng 2 động cơ Yan-mar có tổng công suất 1.055 CV; lưới khai thác của tàu có chiều dài 14 hải lý. Tàu có khả năng hoạt động trên biển từ 30 - 50 ngày với sức chứa 14 thuyền viên, tàu có thể chịu đựng được sóng gió cấp 9, được trang bị các thiết bị hàng hải hiện đại, có khả năng nhận dạng định vị, phối hợp với các trạm duyên hải.
Hiện nay con tàu của gia đình ông Diệm đã đi vào khai thác, theo tìm hiểu mỗi chuyến ra khơi trừ chi phí và trả lương cho người lao động, bình quân cũng còn "dư" trên dưới năm, bảy chục triệu đồng.
Cùng với "Tàu cá 67" của gia đình ông Diệm, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang tiếp tục thực hiện hợp đồng tín dụng với gia đình ông Trần Văn Chiến, xóm 8, Kim Chính, Kim Sơn. Tính đến hết tháng 6/2018, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh Ninh Bình đã ký hợp đồng tín dụng với 2 chủ tàu với số vốn trên 39 tỷ đồng.
Cũng thông qua Nghị định 67, gia đình anh Nguyễn Văn Dụng ở Kim Sơn đã tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Ninh Bình để đóng mới tàu cá vỏ thép với công suất lớn. Đầu năm 2017 "Tàu cá 67" nhà anh Nguyễn Văn Dụng đã chính thức hạ thủy và đã có những chuyến ra khơi thắng lớn thu về gần 270 triệu đồng. Anh Dụng cho biết: Những tính năng ưu việt của con tàu vỏ sắt đã được chúng tôi khai thác triệt để, do vậy đã cho sản lượng khai thác cao hơn nhiều so với tàu gỗ.
Ông Nguyễn Thừa Vũ, Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Ninh Bình cho biết: Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới tàu khai thác hải sản công suất lớn.
Việc cho vay nhằm phát triển đội ngũ tàu cá khai thác hải sản xa bờ góp phần giúp ngư dân vươn khơi bám biển, gia tăng giá trị lợi nhuận và phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia là chủ trương lớn. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Ninh Bình xác định, đây không chỉ là nhiệm vụ kinh tế mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mình.
Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thuơng mại nghiêm túc thực hiện, chủ động tiếp cận khách hàng để xem xét, hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục, hồ sơ.
Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên tổ chức hội nghị với giám đốc các chi nhánh ngân hàng thương mại để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục và thẩm định hồ sơ vay vốn cho các chủ tàu. Giao trách nhiệm cụ thể cho từng chi nhánh có trách nhiệm hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý hồ sơ vay vốn của khách hàng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã có 4 chủ tàu với 5 dự án đóng mới tàu đánh bắt hải sản xa bờ được các chi nhánh ngân hàng thương mại trong tỉnh cam kết cho vay theo hợp đồng tín dụng với tổng số tiền là 88,172 tỷ đồng. Đến nay dư nợ của các ngân hàng đạt 75 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có 3 tàu được hạ thủy và đi vào khai thác ổn định, cho thu nhập cao hơn hẳn so với tàu vỏ gỗ trước đây.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng cho vay theo Nghị định 67, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ cùng các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về Nghị định 67; đồng hành cùng các chủ tàu để tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn qua đó có các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Đồng thời phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu triển khai chính sách vay vốn lưu động, chính sách bảo hiểm; tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng ven biển, hệ thống cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Nguyễn Thơm