Hoạt động từ năm 2007 với nghề đào tạo là móc sợi, đính hạt cườm, Trung tâm Dạy nghề 8-3 (thị trấn Thiên Tôn, Hoa Lư) ban đầu khá khó khăn khi thu hút người học và làm nghề. Bởi ở thời điểm đó, nghề này hoàn toàn mới, nên nhiều người dân còn bỡ ngỡ.
Để duy trì được các lớp học nghề, chị Phạm Thị Thập, Giám đốc Trung tâm nhớ lại: Tôi cùng một số cán bộ của Trung tâm phải xuống từng thôn, xóm điều tra, tổng hợp nhu cầu học nghề của người dân rồi mới tiến hành dạy nghề ngay tại thôn, xóm cho những người có nhu cầu.
Tuy là nghề cho thu nhập không cao nhưng bù lại khá phù hợp với phụ nữ nông thôn do nghề có thể làm bất cứ lúc nào rảnh rỗi trong ngày, kỹ thuật lại không quá khó. Qua thời gian tìm hiểu, nhiều người tìm đến các lớp học. Cứ người biết nghề hướng dẫn người chưa biết mà nghề móc sợi, đính hạt cườm được duy trì từ đó đến nay tại các xã thuộc địa bàn huyện Hoa Lư, thu hút hàng trăm lao động tham gia vào lúc nông nhàn với mức thu nhập khoảng 40.000 đồng/người/ngày.
Hiện nay, với năng lực sản xuất từ 500- 600 bộ sản phẩm/tháng, Trung tâm Dạy nghề 8-3 thực sự trở thành địa chỉ đào tạo nghề và làm nghề có uy tín đối với phụ nữ trong huyện.
Cùng với Trung tâm Dạy nghề 8-3, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp được lựa chọn tham gia hoạt động đào tạo nghề như: Doanh nghiệp cói Ba Lan, Năng Động, may Vạn Xuân, Doanh nghiệp thêu Minh Anh, Thiên Lộc, Trung tâm Dạy nghề Minh Trang… là những doanh nghiệp được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thẩm định có đủ điều kiện về năng lực dạy nghề và khả năng tạo việc làm cho người lao động sau học nghề, được cấp giấy đăng ký hoạt động dạy nghề, đề nghị UBND tỉnh giao chỉ tiêu đào tạo nghề theo năng lực và nghề đào tạo đã được cấp phép theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020".
Để lựa chọn được các mô hình đào tạo nghề, các nghề phù hợp, căn cứ vào các nghề truyền thống của các địa phương và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 của tỉnh đã hướng dẫn cho các địa phương hàng năm tiến hành khảo sát, lựa chọn các nghề phù hợp, bền vững, có khả năng thu hút được nhiều lao động vào làm việc để đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Qua khảo sát của các địa phương, các nghề được lựa chọn đưa vào dạy theo mô hình gồm 2 loại hình: nghề truyền thống (thêu, chế tác đá mỹ nghệ, đan cói, đan bẹ chuối, đan bèo bồng…) và nghề mới như: móc sợi, đính hạt cườm, khâu chăn bông xuất khẩu, may công nghiệp, chẻ tăm hương, hướng dẫn viên du lịch…
Đây là những nghề được xác định có nhiều cơ hội việc làm, tự tạo việc làm do sản phẩm làm ra được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cam kết đảm nhận việc thu mua và xuất bán sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước EU…
Qua kiểm tra, thẩm định năng lực hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề, hầu hết các lớp dạy nghề nông thôn đều được tổ chức tại các địa phương, các làng nghề và các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn nên cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đều được tận dụng tại địa phương. Chương trình, giáo trình, tài liệu học nghề do các cơ sở dạy nghề biên soạn và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thẩm định từng đề án được phê duyệt.
Bên cạnh đó, giáo viên và người dạy nghề được tuyển chọn từ các cơ sở dạy nghề, các làng nghề, các doanh nghiệp được Sở phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Lilama 1 tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng dạy học.
Quá trình thực hiện đào tạo nghề theo mô hình, giúp người học nghề không phải đi xa, địa điểm đào tạo đều được các cơ sở tiến hành tại các thôn, xóm, tại doanh nghiệp đóng trên địa bàn nên phù hợp với nhu cầu của người học.
Với thời gian học từ 1- 3 tháng tùy theo từng nghề, toàn tỉnh đã có 6.888 người tham gia học nghề. Trong đó: nghề đan cói, đan bèo bồng, bẹ chuối có 3.835 người học, nghề thêu có 775 người học, nghề chế tác đá mỹ nghệ có 155 người học, nghề móc sợi và đính hạt cườm có 1.846 người học, nghề khâu chăn bông có 275 người học.
Đối tượng tham gia các lớp học nghề theo mô hình là lao động nông thôn thuộc các đối tượng hộ chính sách, hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất, người tàn tật, hộ cận nghèo và các lao động khác theo quy định trong đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của Chính phủ. Trong đó tỉnh ưu tiên cho các đối tượng thuộc diện thu hồi đất, các xã nghèo, các xã làm trước về xây dựng nông thôn mới.
Về hiệu quả các lớp đào tạo nghề theo mô hình, vừa qua đoàn công tác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khi tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế tại một số đơn vị đào tạo nghề đều đánh giá cao hoạt động này.
Kết quả khảo sát cho thấy lao động sau học nghề theo mô hình 60 - 70% có việc làm, cụ thể: Lao động nghề may công nghiệp có 80% sau học nghề được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp và cơ sở may trên địa bàn tỉnh với mức lương từ 1,5- 2,5 triệu đồng/người/tháng. Số lao động học nghề: đan cói, bèo bồng, bẹ chuối, chẻ tăm hương, khâu chăn bông, móc sợi, đính hạt cườm học xong làm việc tại nhà dưới hình thức các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp nguyên vật liệu, thu mua sản phẩm, thanh toán qua vệ tinh và các đại lý tại địa phương thu nhập từ 800.000 - 1.500.000 đồng/người/tháng. Số lao động học nghề đá mỹ nghệ sau học nghề đều có việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn cư trú hoặc tự mở các cơ sở với thu nhập từ 2- 4 triệu đồng/người/tháng…
Hình thức đào tạo nghề theo mô hình không chỉ giải quyết việc làm, giúp tăng thu nhập cho người lao động mà còn góp phần chuyển dịch một lượng lao động lớn từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp, phát triển nhanh các làng nghề, tăng giá trị các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh.
Lý Nhân