Đường đi gồ ghề sỏi đá, lau lách um tùm; không ít người sống trong tình cảnh nơm nớp nỗi lo bị sạt lở đất mỗi mùa mưa bão đến, rồi lại khan hiếm nước trong sản xuất, sinh hoạt; cơ sở hạ tầng thấp kém, tạm bợ; kinh tế kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao…
Nhờ có đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, nhất là các cơ chế, chính sách, dự án ưu tiên đầu tư phát triển cho vùng cao như Dự án 134, 135 của Chính phủ được triển khai trong những năm vừa qua tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ vươn lên, nỗ lực xây dựng bản làng.
Ở Kỳ Phú, từ Chương trình 134, 135 của Chính phủ mà đến nay các bản làng vùng sâu, vùng xa như bản Mét, Ao Lươn, bản Cả, các bản Sấm, Vóng, Sạng… đã "bớt" đi nhiều khó khăn, ổn định sản xuất, phát triển kinh tế. Chương trình 134, 135 triển khai đã hỗ trợ cho Kỳ Phú xây dựng được Trường Tiểu học khu B, trường THCS, Trạm y tế cao tầng, trạm điện; hỗ trợ 123 con bò cho các hộ nghèo; hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo học phí; hỗ trợ kinh phí xây dựng, cải tạo, di chuyển công trình vệ sinh hợp lý cho 262 hộ nghèo; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho 55 hộ dân rải rác ở 10 thôn, bản trong xã, mỗi hộ khoảng 250 m2 đất ở, 5 nghìn m2 đất sản xuất; hỗ trợ đồng bào dân tộc nghèo trên 300 thùng đựng nước sạch. Đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nếu không có sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Chính phủ như Chương trình 134, 135 thì Kỳ Phú không có được diện mạo như hôm nay khi phải huy động sức dân đóng góp mà đời sống của đồng bào dân tộc còn khó khăn. Hiệu quả đầu tư của các chương trình, dự án mang lại rất rõ nét, đời sống nhân dân được cải thiện, cơ sở hạ tầng khang trang. Nhờ vậy, số hộ khá tăng lên, số hộ nghèo giảm xuống, năm 2007 tỷ lệ hộ nghèo của xã trên 18%, đến 2010 giảm còn 7,73%. Trong phát triển kinh tế, người dân chí thú làm ăn, xóa bỏ các hình thức canh tác lạc hậu, không ngừng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, sản lượng, giá trị cây trồng, vật nuôi, mở rộng ngành nghề, thương mại, dịch vụ, trồng, bảo vệ rừng…
Với xã Phú Long, Dự án 134, 135 đã giúp cho 28 hộ dân trong xã có đất "an cư lạc nghiệp", 147 hộ có đất sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, 486 hộ có thùng đựng nước sạch để sinh hoạt. Đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những hộ nghèo ở đây ơn Đảng, Nhà nước quan tâm, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, phương thức sản xuất đã chung sức, đồng lòng, yên tâm lao động, xây dựng Phú Long ngày càng phát triển. Đặc biệt là ở thôn 1 của xã, toàn thôn có 200 hộ, trên 300 nhân khẩu thì có khoảng 100 hộ thuộc đồng bào dân tộc Mường trước kia phải sinh sống và canh tác trong khu vực lòng hồ Đá Lải, đường đi lại khó khăn, nhà ở tạm bợ, thường xuyên phải hứng chịu thiệt hại từ thiên tai như ngập úng, nguy cơ sạt lở đất đá mùa mưa bão, nhờ có sự hỗ trợ của dự án mà các hộ này đã được di chuyển ra ở và sản xuất ở vị trí khác, cách đó 1 km, an toàn hơn. Hiện nay, các hộ đều đã ổn định được đời sống, phấn khởi, yên tâm xây dựng nhà mái bằng, cao tầng, cấp 4, tập trung trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ. Do vậy, số hộ khá trong thôn tăng lên, số hộ nghèo giảm chỉ còn 19 hộ (năm 2010).
Một mùa xuân mới ấm áp đang về trên dẻo cao Kỳ Phú, Phú Long, Cúc Phương, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đang khẩn trương đón cái Tết Nguyên đán Tân Mão vui tươi, yên lành, no đủ trong niềm tin tưởng, ơn Đảng và Bác Hồ.
Thanh Thủy