Các đề tài, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh ta tập trung vào ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, công nghệ sinh học để tạo ra nhiều giống cây, giống con nuôi mới, phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng của từng vùng, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, con nuôi tạo ra sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu.
Trong trồng trọt, tỉnh ta đã khảo nghiệm, hoàn thiện quy trình sản xuất và đã lựa chọn đưa vào thâm canh các bộ giống lúa chất lượng cao như giống LT2, Bắc thơm số 7, QR1, Tám xoan đột biến... góp phần đưa năng suất lúa bình quân tăng cao, năm 2005 đạt 56 tạ/ha đến năm 2010 đạt 62 tạ/ha, năm 2011 đạt trên 65 tạ/ha, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác từ 25 triệu đồng/ha/năm (năm 2005) lên 86 triệu đồng/ha/năm (năm 2011).
Các giống lạc mới có nhiều ưu điểm như năng suất cao, khả năng chống chịu thời tiết, kháng sâu bệnh tốt như giống L14, L18, L23… đã được khảo nghiệm và nhân ra diện rộng tại các huyện Yên Khánh, Yên Mô...
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tỉnh ta đã tiến hành nghiên cứu và đầu tư kinh phí xây dựng các trang trại sản xuất giống cua biển, giống ngao, giống cá chẽm, cá bống bớp…Việc thực hiện thành công các đề tài về nuôi trồng thủy sản đã góp phần chủ động và cung cấp kịp thời giống con nuôi cho các hộ nuôi trồng thủy, hải sản các xã bãi ngang và bãi bồi ven biển.
Trong chăn nuôi, tỉnh ta đã thực hiện thành công các đề tài, dự án như: Giống thỏ, gà lai, lợn rừng Thái Lan lai với lợn bản địa…đã tạo ra các giống con nuôi mới có giá trị cao, cung cấp giống cho bà con chăn nuôi. Nhờ đó đã hình thành nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại có hiệu quả kinh tế cao, có thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, tỉnh ta đã thực hiện thành công các đề tài nhằm bảo tồn các nguồn gen quý hiếm như: Nghiên cứu và bảo tồn phát triển giống dê cỏ Ninh Bình; giống khoai sọ bản địa; giống hươu sao... Thông qua các đề tài, dự án, tỉnh còn hỗ trợ giống con nuôi đặc sản cho các hộ nông dân như giống baba, nhím… để phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập.
Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp của tỉnh ta có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất khá, bình quân giai đoạn 2001-2010 đạt 3,5%/năm. Đã hình thành được vùng chuyên canh sản xuất trồng lúa, trồng cói, trồng dứa, trồng mía... một số vùng đã đạt giá trị sản xuất trên 100 triệu đồng/năm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển khá toàn diện và chuyển dịch theo hướng tập trung có quy mô lớn với nhiều mô hình con nuôi đặc sản. Ngành thủy sản đã có những bước tiến mới, giá trị sản xuất tăng bình quân 16%/năm. Các loại thủy sản có giá trị cao và có thương hiệu của Ninh Bình được xuất đi các vùng trong cả nước như ngao, cua, tôm các loại, cá bống bớp, cá mú chấm nâu...
Thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án, nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ đã được chuyển giao cho các sở, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Nhiều nông dân đã được tham gia các lớp tập huấn ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp bền vững; hàng trăm cán bộ kỹ thuật ở cơ sở đã được đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ quản lý, khoa học và kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp - đây là những hạt nhân nòng cốt, là lực lượng để triển khai nhân rộng các mô hình có hiệu quả ngay sau khi các đề tài, dự án kết thúc, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển KT- XH tại địa phương.
Thực hiện thành công các đề tài, dự án còn có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện thành công các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Bài, ảnh: Hồng Giang