Trong năm 2020, trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, việc huy động vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, với sự tích cực, chủ động, các chi nhánh Ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp huy động nhằm chủ động về nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Ước tính đến hết năm 2020, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đạt 51.304 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm.
Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ huy động vốn, các chi nhánh ngân hàng, TCTD trên địa bàn thực hiện hỗ trợ cho khách hàng và người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 bằng nhiều hình thức như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi, hạ lãi suất cho vay. Ông Nguyễn Thừa Vũ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Ninh Bình cho biết: Trong bối cảnh cần "chung sống" an toàn với dịch, thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và của Agribank Việt Nam, Agribank chi nhánh Ninh Bình đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách quan trọng liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; áp dụng chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất với quy mô 100.000 tỷ đồng, mức lãi suất hỗ trợ lên đến 2,5%/năm nhằm mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, chương trình chính sách, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đó, các TCTD trên địa bàn tích cực triển khai các chương trình, các gói hỗ trợ cho khách hàng và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tập trung triển khai thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của từng khách hàng để có biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ước tính đến hết năm 2020, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, TCTD trên địa bàn tỉnh đạt 88.570 tỷ đồng, tăng 10,2% so với đầu năm, trong đó, số dư nợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đạt gần 4.478,9 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao; tập trung phân bổ nguồn vốn cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn cho doanh nghiệp và người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động. Tăng cường giám sát chặt chẽ các quỹ tín dụng nhân dân (TDND) trong việc tổ chức thực hiện các nội dung đã xây dựng tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và Đề án củng cố và phát triển hệ thống quỹ TDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Nhằm phục vụ tốt nhất cho khách hàng trên địa bàn tỉnh, ngành Ngân hàng cũng tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa, đề nghị bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, với trọng tâm là rà soát và thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong ngành Ngân hàng. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành, ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Chú trọng đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và tích cực triển khai các biện pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Một cửa điện tử tại các cơ quan, đơn vị.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm