Nhiều chính sách ưu đãi đầu tư lớn Trong những năm qua, tỉnh ta đã tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, lập kế hoạch phát triển cho từng lĩnh vực, từng vùng nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, tỉnh đã quy hoạch 7 Khu công nghiệp (Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp I, Tam Điệp II, Khánh Cư, Phúc Sơn, Kim Sơn với tổng diện tích quy hoạch là 1.472 ha) và 25 cụm công nghiệp được quy hoạch đến năm 2025 với diện tích trên 946 ha.
Các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch chi tiết và đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có nhu cầu vào đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Ninh Bình xây dựng các khu du lịch trọng điểm như: Tràng An, Tam Cốc - Bích Động; Cố đô Hoa Lư, Địch Lộng - Vân Long - Kênh Gà; Nhà thờ Đá Phát Diệm... để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Trong những năm đầu tái lập tỉnh, do kinh tế chậm phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội lạc hậu, thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách còn thấp, dựa trên tiềm năng, lợi thế, tỉnh có những chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, song song với phát triển du lịch.
Giai đoạn 15 năm trở lại đây, tỉnh tập trung thu hút đầu tư đa dạng ngành nghề, trong đó lĩnh vực công nghiệp tập trung ưu tiên cho các dự án đầu tư công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ô tô, công nghiệp phụ trợ. Với định hướng đó tỉnh có những chính sách mới, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư như: Quyết định số 28/2012/QĐ-UBND ngày 23/11/2012 của UBND tỉnh về ban hành Quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND ngày 9/12/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Nghị quyết số 08-NQ/BCSĐ ngày 21/1/2015 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Quyết định 28/2012/QĐ-UBND ngày 23/11/2012 về xây dựng và ban hành quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Nghị quyết số 13/2015/NQ-HĐND về việc ban hành quy định chính sách đặc thù hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020...
Cùng với các chính sách đầu tư, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2012 với quy mô cấp Quốc gia. Thông qua hội nghị xúc tiến đầu tư, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã hiểu rõ hơn về tiềm năng phát triển, các chính sách thu hút ưu đãi và cơ hội đầu tư tại tỉnh Ninh Bình.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa liên thông, đơn giản hóa thủ tục, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư… Tỉnh cũng tập trung kêu gọi đầu tư hoàn thiện xây dựng hạ tầng cơ sở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp giúp cho nhà đầu tư đến với Ninh Bình thuận lợi hơn…
Đổi mới mô hình tăng trưởng
Với những nỗ lực trong thu hút đầu tư của các cấp, các ngành, sau 25 năm tái lập tỉnh, Ninh Bình đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn vào tất cả các lĩnh vực: công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, du lịch, nông nghiệp… Tính đến hết năm 2016 tỉnh đã thu hút được trên 600 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt trên 120 nghìn tỷ đồng.
Toàn tỉnh có 51 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đang hoạt động với tổng mức đầu tư đăng ký đạt trên 1.285 triệu USD từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản…
Trong đó có 24 dự án ngoài các khu công nghiệp và 27 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp. Quá trình thu hút đầu tư, tỉnh luôn có sự lựa chọn kỹ lưỡng các dự án đầu tư và xử lý kiên quyết với những dự án kéo dài, dự án "treo".
Nhờ đó, hầu hết các dự án đều triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao, nhiều dự án đã sớm hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh như: Nhà máy cán thép Kyoei; các Nhà máy xi măng Tam Điệp, The Vissai, Hướng Dương, Duyên Hà; Nhà máy ô tô Thành Công; nhà máy lắp ráp cần gạt nước; nhà máy sản xuất linh kiện điện tử McNex VINA... Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2016 đạt trên 34.500 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm 2015.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung làm tốt công tác kêu gọi đầu tư, vận động khai thác tối đa các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, điểm du lịch, nhất là vào các dự án ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2015-2020. Đảm bảo có quỹ đất sạch, mặt bằng sản xuất, điện nước để doanh nghiệp vào đầu tư.
Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 12/1/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị Quyết 01 ngày 12/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng mối quan hệ hợp tác, phối hợp cùng xúc tiến kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh với các Đại sứ quán, Tham tán đầu tư Việt Nam tại EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... và nhiều tổ chức hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại Quốc tế tại Việt Nam như Phòng xúc tiến thương mại đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Tập đoàn Kicox, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Ngoài ra tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng nhằm phát huy và kết hợp hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh của mỗi địa phương và cả vùng để tăng cường thu hút đầu tư.
Hồng Giang