Ngay sau khi Chỉ thị 32 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện đến cán bộ chủ chốt trong tỉnh. Các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh tổ chức quán triệt đến các đồng chí bí thư, phó bí thư các đảng bộ, chi bộ trực thuộc. Các đảng bộ, chi bộ tổ chức quán triệt đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Việc tổ chức quán triệt Chỉ thị 32 được gắn với việc quán triệt Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007; Chương trình hành động số 18-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngoài việc quán triệt tại các hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt lồng ghép, nội dung Chỉ thị 32 còn thường xuyên được đưa tin, thông báo qua các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.
Từ các văn bản chỉ đạo trên, cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, tuyên truyền các văn bản pháp luật mới ban hành, nhất là những văn bản pháp luật có liên quan đến công tác quản lý Nhà nước ở địa phương, liên quan đến chế độ, chính sách, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, như: Luật bầu cử đại biểu HĐND, Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Đất đai, Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính...
Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên tư tưởng, văn hóa và tuyên truyền viên ở các cơ quan, đơn vị, cơ sở thực hiện phổ biến pháp luật qua hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền cá biệt cho chục ngàn lượt người. Nét mới của hình thức tuyên truyền miệng là đội ngũ tuyên truyền viên đã lựa chọn những vấn đề trọng tâm, liên quan tới quyền, nghĩa vụ công dân để tuyên truyền và có nhiều đổi mới về hình thức thể hiện, như sử dụng tài liệu trực quan, máy chiếu, xây dựng các tiểu phẩm tình huống để người tham dự cùng thảo luận, giải quyết tình huống.
Việc tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng được đổi mới. Các cơ quan tuyên truyền đã phối hợp với các cơ quan pháp luật mở các chuyên mục, chuyên trang an toàn giao thông; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống HIV/AIDS... Hệ thống truyền thanh 3 cấp ngoài việc tiếp sóng của đài cấp trên đã đưa thông tin chế độ, chính sách mới đến các tầng lớp nhân dân. Việc phát tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, các bản tin chuyên đề pháp luật được duy trì. Các câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật, tuổi trẻ với pháp luật, nông dân với pháp luật… tiếp tục được thành lập, duy trì hoạt động và có nhiều đổi mới trong hình thức sinh hoạt, tập hợp hội viên. Thông qua sinh hoạt, góp phần động viên hội viên tự giác, gương mẫu chấp hành pháp luật. Tiêu biểu là Câu lạc bộ Hội nông dân với pháp luật ở Yên Thắng, Yên Nhân (Yên Mô), Ninh Sơn (thành phố Ninh Bình), Khánh Cư (Yên Khánh), Quang Sơn ( thị xã Tam Điệp), Ninh Mỹ (Hoa Lư).
Toàn tỉnh hiện có 1.694 tổ hòa giải với 9.790 hòa giải viên; đã hòa giải thành 9.784 vụ (đạt 85,6%). Hoạt động hòa giải góp phần hạn chế đơn thư vượt cấp, kéo dài, các tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư. Tòa án nhân dân tỉnh kết hợp nhiệm vụ xét xử lưu động với tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Trong 6 năm, Tòa án 2 cấp đã tổ chức xét xử lưu động 380 vụ án, qua xét xử lưu động góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân. Công tác trợ giúp nâng cao kiến thức pháp luật cho người nghèo, đối tượng chính sách được quan tâm, đã thực hiện 576 buổi trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn pháp luật cho 2.376 đối tượng.
Công tác tiếp dân được thực hiện tốt, xem xét giải quyết trên 90% đơn thư khiếu nại, tố cáo, qua đó góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Ngoài ra, các hội thi tìm hiểu pháp luật, như thi tìm hiểu Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động; thi hòa giải viên giỏi, hội thi "Phụ nữ với pháp luật", "Nông dân với an toàn giao thông"... đã chuyển đến người nghe, người xem những thông điệp bổ ích nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho nhân dân. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có tủ sách pháp luật, 90% cơ quan, đơn vị, đoàn thể có tủ sách pháp luật. Mỗi tủ sách trung bình từ 150 - 200 đầu sách, để nhân dân đọc và tra cứu.
Công tác giáo dục pháp luật trong các nhà trường đã được quan tâm. Hàng năm, Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, kiến thức an ninh - quốc phòng cho đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo dục pháp luật ở các cấp học. Tổ chức cho 100% học sinh các bậc học ký cam kết chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, không tham gia tệ nạn cờ bạc, ma túy…
Các hình thức phổ biến, tuyên truyền trực quan, sinh động như tuyên truyền qua panô, áp phích, qua sinh hoạt lễ hội văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, lồng ghép với các chương trình xóa đói, giảm nghèo; nêu gương điển hình của các dòng họ gương mẫu chấp hành pháp luật; phổ biến pháp luật cho các chức sắc, chức việc tôn giáo cũng mang lại hiệu quả cao.
Sau 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư T.Ư Đảng đã tạo được sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Kết quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bài, ảnh: Mạnh Dũng