Với vai trò là cơ quan tham mưu, thời gian qua Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh; tích cực, chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng giả hàng nhái và gian lận thương mại.
Điều ghi nhận sau hơn 7 năm thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, tăng cường công tác bảo hành sản phẩm, tư vấn và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Bản thân mỗi người tiêu dùng đã biết được các quyền của mình trong giao dịch, mua bán; thói quen, nhận thức của người tiêu dùng trong mua sắm, tiêu dùng cũng thay đổi theo hướng chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3; tổ chức 16 hội nghị phổ biến các quy định của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phát hành 3.583 tin bài, 7.187 bản tin, sách báo phản ánh các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; in, phát 11.515 tờ rơi và treo 12.030 băng zôn, panô tuyên truyền các nội dung về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thực phẩm, đo lường chất lượng.
Sở đã tổ chức rà soát các đơn vị trên địa bàn đang kinh doanh, cung cấp 9 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng phải đăng ký hợp đồng mẫu/điều kiện giao dịch chung và triển khai văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện đăng ký hợp đồng mẫu/điều kiện giao dịch chung theo Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg và Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức hội nghị phổ biến các quy định của Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ đến các đối tượng thuộc diện đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng được quan tâm, chú trọng, góp phần làm lành mạnh thị trường, ổn định giá cả hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan, đơn vị liên quan đã kiểm tra 19.682 vụ, xử lý 8.133 vụ vi phạm với tổng số tiền thu phạt 39,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bối cảnh trong nước và quốc tế đã, đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới đã xuất hiện... dẫn đến quá trình thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gặp nhiều vướng mắc, bất cập, ảnh hưởng tới kết quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như việc giải quyết các khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng còn gặp nhiều khó khăn, số vụ khiếu nại còn ít do tâm lý ngại va chạm, thường bỏ qua những thiệt hại nhỏ, người tiêu dùng chưa chủ động liên hệ đến các cơ quan, tổ chức như tổ chức bảo vệ người tiêu dùng hoặc chống gian lận thương mại để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Cùng với đó, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, cán bộ làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều kiêm nhiệm, không chuyên trách; nguồn kinh phí dành cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ít, đặc biệt là UBND cấp huyện, xã chưa bố trí được kinh phí cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh chưa được công nhận là Hội đặc thù, do đó không có kinh phí để duy trì bộ máy.
Bảo Yến