Khi được thông báo làm nhà văn hóa, người dân thôn Xuân Phúc, xã Ninh Vân đều sẵn sàng đóng góp tiền của, ngày công xây dựng công trình nhà văn hóa. Trò chuyện với chúng tôi, bác Nguyễn Quang Diệu, Bí thư chi bộ thôn cho biết: Trước đây, mọi việc sinh hoạt tập thể rất khó khăn, nhà người dân trong thôn trở thành nơi hội họp. Khi bàn về xây dựng nhà văn hóa, người dân rất phấn khởi, vì không đủ chỗ và bàn ghế nên ai đến họp cũng mang theo cho mình một chiếc ghế để ngồi, mỗi người một góc, người ngồi trong nhà, người ngồi bậc thềm, người thì ngoài sân. Chúng tôi đã họp bàn dự toán tổng kinh phí trị giá xây dựng nhà văn hóa khoảng 600 triệu đồng trên diện tích 300m2, bình quân mỗi hộ dân đóng góp từ 450.000 đồng trở lên, hộ cán bộ, đảng viên từ 1 triệu đồng trở lên; huy động ngày công lao động và vật liệu xây dựng, đồng thời tận dụng đội ngũ thợ xây, phụ hồ trong xóm để làm nhà văn hóa. Với mức đóng góp hợp lý này, khi đưa ra trước cuộc họp, người dân đều nhất trí cao. Ngoài khoản đóng góp chung, nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong thôn còn tự nguyện góp thêm tiền hoặc hỗ trợ các trang thiết bị trong nhà văn hóa. "ý đảng hợp lòng dân", chỉ vài tháng tích cực triển khai xây dựng, NVH của thôn được hoàn thiện và đưa vào sử dụng với tổng kinh phí đầu tư 800 triệu đồng. Từ khi nhà văn hóa được khánh thành, bà con phấn khởi lắm, bởi đây không chỉ là nơi hội họp của thôn mà còn là nơi tổ chức các hoạt động thể thao-văn hóa, nơi gắn kết bà con nhân dân trong thôn với nhau. Ông Phạm Ngọc Văn, Trưởng phòng Xây dựng gia đình và Nếp sống văn hóa, Sở Văn hóa- Thể thao cho biết: Năm 2010, toàn tỉnh mới chỉ có 59/123 xã có nhà văn hóa, trong đó chỉ có 39 nhà văn hóa đạt chuẩn; 889/162 nhà văn hóa thôn, trong đó có 650 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn; 100% số xã chưa có khu thể thao đạt chuẩn, 1662 số thôn chưa đạt chuẩn khu thể thao… Nhờ có sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân và đặc biệt là từ khi triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới mà công tác xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm đã đạt được những kết quả tốt.
Trong 19 tiêu chí, có 2 tiêu chí mà Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp tham mưu, chỉ đạo thực hiện, đó là tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về Văn hóa. Qua khảo sát, đối với tiêu chí số 6, nguyên nhân chủ yếu là thiếu kinh phí. Kinh phí để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao rất lớn (trung bình khoảng 500 triệu cho 1 nhà văn hóa thôn, trên 3 tỷ đồng cho 1 nhà văn hóa, Khu thể thao xã), đặc biệt ở những xã khó khăn, không có nguồn lực đối ứng, nguồn thu và nguồn huy động ngân sách xã rất hạn hẹp, chủ yếu trông chờ hỗ trợ từ cấp trên; tiếp theo là quỹ đất dành cho xây dựng theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Từ thực tiễn đó, với chức năng của ngành và nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới tỉnh phân công, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao) chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phát triển văn hóa nông thôn.
Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao đã chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ chế khuyến khích xây dựng thiết chế văn hóa nông thôn. Theo đó hỗ trợ đầu tư xây mới 50 triệu đồng, sửa chữa nâng cấp 30 triệu đồng/1 nhà văn hóa - Khu thể thao thôn.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đến nay toàn tỉnh có 1.461/1675 thôn, phố có nhà văn hóa, trong đó 1175/1351 thôn có Nhà văn hóa; 1004 thôn, phố có khu thể thao, đạt tỷ lệ 59,9%. Cùng với việc xây dựng mới và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, ngành Văn hóa luôn chú trọng chỉ đạo việc tổ chức các hoạt động, đưa các sản phẩm văn hóa phục vụ nhân dân, đặc biệt tới các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Từ năm 2012 đến nay đã thực hiện gần 200 chương trình nghệ thuật biểu diễn; 825 đợt chiếu phim phục vụ trên 400.000 lượt người xem. Hướng dẫn củng cố hệ thống Thư viện cấp huyện, Tủ sách, phòng đọc tại các xã, thôn, bản. Luân chuyển 350.000 lượt sách, báo, tặng 5.000 bản sách cho thư viện cơ sở; phục vụ 124.790 lượt độc giả tại các địa phương. Từ năm 2012 đến nay, tổ chức trên 600 cuộc thi đấu thể dục, thể thao ở cơ sở.
Hiện nay, có 27% người dân nông thôn thường xuyên tham gia luyện tập thể dục, thể thao, 22,3% gia đình thể thao. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng ở cơ sở. 20% xã có câu lạc bộ; 561 tổ, đội, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng.
Các Đội, Câu lạc bộ văn nghệ được thành lập tự huy động, đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động. Trung bình mỗi năm tổ chức trên 200 buổi biểu diễn, giao lưu văn nghệ quần chúng. Hàng năm, duy trì các cuộc thi đấu thể thao, hội diễn nghệ thuật quần chúng từ cơ sở đến tỉnh, thu hút nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi tham gia, góp phần khơi dậy, giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống.
Nguyễn Hùng