Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác, vụ đông 2012-2013, Ban chỉ đạo sản xuất vụ đông của xã giao cho Hội Nông dân xã trực tiếp chỉ đạo hội viên nông dân đưa mô hình trồng cây ớt xuất khẩu vào gieo trồng. Ngay từ đầu vụ, Ban chỉ đạo sản xuất phối hợp với Hội Nông dân xã chủ động rà soát toàn bộ diện tích trồng cây vụ đông của hội viên nông dân và xây dựng kế hoạch thực hiện. Hội chú trọng tuyên truyền đến từng hộ hội viên nông dân thông qua đài truyền thanh, các buổi sinh hoạt, giao ban của Hội... Đồng thời liên kết với Công ty TNHH ớt Việt Nam ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch… Gần 200 hộ hội viên ở 9/10 thôn tham gia thực hiện mô hình trên tổng diện tích 95,7 ha.
Anh Bùi Ngọc Tuyển, hội viên Hội Nông dân xã phấn khởi cho biết: Từ xưa đến nay, gia đình tôi chỉ trồng lúa là chính. Sau khi được cấp ủy, chính quyền, cán bộ Hội tư vấn về hiệu quả trồng cây ớt xuất khẩu nên gia đình đã đăng ký trồng thí điểm 2 sào. Thời điểm này, thị trường trong và ngoài nước đang có nhu cầu thu mua ớt với giá từ 8-10 nghìn đồng/kg, nên chúng tôi rất phấn khởi. Nếu thuận lợi, thu nhập từ trồng ớt xuất khẩu của gia đình ước đạt từ 50 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng ớt xuất khẩu, đồng chí Nguyễn Văn Sự, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: ớt xuất khẩu là loại cây hàng hóa,được xã chọn lựa trồng với những quy định nghiêm ngặt về kỹ thuật.Để cây ớt phát triển tốt, người dân cần đảm bảo tưới nước đầy đủ, thoát nước tốt; tưới rãnh (tưới thấm) là phương pháp tốt nhất, góp phần tiết kiệm nước, giữ ẩm lâu, tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Khi chăm sóc, cần tỉa bỏ các cành, lá dưới điểm phân cành để cây ớt phân tán rộng và gốc được thông thoáng; nên tỉa cành lúc nắng ráo; ngắt bỏ hoa và quả non ở điểm giao phân cành đầu tiên. Làm giàn ớt bằng cây hay dây ni lông. Giàn giúp cây đứng vững, dễ thu hái, kéo dài thời gian thu hoạch, hạn chế quả bị sâu bệnh do đổ ngã. Mỗi hàng ớt cắm 2 trụ cây lớn ở 2 đầu, dùng dây căng dọc theo hàng ớt nối với 2 trụ cây; khi cây ớt cao tới đâu căng dây tới đó để giữ cây đứng thẳng. Khi quả ớt bắt đầu chuyển màu thì tiến hành thu hoạch. Nếu người dân chăm sóc đúng kỹ thuật thì thời gian thu hoạch ớt có thể kéo dài trên 2 tháng.
Theo báo cáo của Hội Nông dân xã, giá trị thu nhập bình quân từ cây ớt xuất khẩu là 80,7 triệu đồng/ha, thôn cao nhất đạt 121,9 triệu đồng/ha, cao hơn 3,28 lần so với các loại cây trồng khác. Nhiều hộ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên cho năng suất đạt trên 1.000 kg, giá trị trên 8 triệu đồng/sào. Trước triển vọng từ cây ớt xuất khẩu, xã tiếp tục vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng ớt trên địa bàn, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho bà con nông dân.
Qua trao đổi với lãnh đạo Công ty TNHH ớt Việt Nam được biết: Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ ớt để phục vụ chế biến thực phẩm của các thị trường như: Trung Quốc, Đài Loan… rất lớn. Chính vì vậy, đầu ra cho sản phẩm luôn được Công ty đảm bảo cho bà con nông dân. Cán bộ của Công ty đã cắm chốt tại đồng ruộng để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân. Sau khi đã thành thạo kỹ thuật trồng và chăm sóc ớt, bà con sẽ chủ động hơn trong sản xuất và Công ty sẽ mở rộng diện tích liên kết. Công ty bước đầu cung cấp toàn bộ về cây giống, phân bón, khâu kỹ thuật... tạo điều kiện tốt nhất cho bà con trồng ớt có hiệu quả. Khi ớt được thu hoạch, Công ty sẽ tổ chức thu mua tại chỗ…Với cách làm này, người nông dân có cơ hội làm giàu ngay chính mảnh đất quê hương mình.
Từ thắng lợi vụ đông 2013-2014, Hội Nông dân xã Xích Thổ tham mưu cho xã ngoài phát triển những cây trồng truyền thống, nâng cao diện tích trồng ớt xuất khẩu, mở rộng trồng cây ngô ngọt xuất khẩu, đem lại thu nhập cho nông dân. Hội đã xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất mô hình cánh đồng cho thu nhập cao ở 2 xứ đồng theo phương thức đó là: Đối với đất bãi ngoài đê trồng 1 vụ ớt, 1 vụ ngô ngọt; đất rộc trồng 1 vụ ớt, 1 vụ lúa, 1 vụ ngô ngọt để phấn đấu xây dựng cánh đồng 150 triệu đồng/năm…
Bài, ảnh: Đức Lam