Sau khi được giao nhiệm vụ, Ban giám đốc, Ban quản lý HTX Phong Hòa đã họp bàn lấy khu ruộng đồng đất Sét thuộc đội sản xuất số 2 để triển khai, ruộng ở mức độ trung bình, chuyên sản xuất 2 vụ lúa. Mô hình được thực hiện trên diện tích 50 ha, với 45 hộ tham gia, sử dụng giống lúa chất lượng cao Đài thơm 8. 100% diện tích được gieo mạ khay cấy bằng máy, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và hữu cơ khoáng.
Để mô hình đạt hiệu quả cao, HTX đã mời cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh về chuyển giao nguyên tắc, tiêu chuẩn sản xuất lúa hữu cơ. Đồng thời tổ chức cho các hộ tham gia mô hình thống nhất ký cam kết sản xuất theo đúng hướng dẫn của Phòng nông nghiệp huyện và của Tỉnh đoàn với việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất.
Thực tiễn triển khai mô hình, các khâu, các bước từ việc lấy nước, làm đất, chăm sóc lúa… đều được chú trọng. Trong đó đáng chú ý là việc bón lót được sử dụng phân hữu cơ vi sinh và bả thảo mộc diệt ốc bươu vàng.
Ở khâu ngâm ủ và gieo mạ cấy, bà con xử lý hạt giống bằng nước vôi để ngâm trong 3 giờ sau đó vo đãi sạch tiếp tục ngâm hạt giống; gieo mạ khay. Trước khi cấy, tổ chức phun phòng trừ sâu đục thân 2 chấm và rầy cho mạ; bơm điều tiết nước đảm bảo duy trì mực nước trên mặt ruộng từ 3 đến 5 cm để cho cây lúa bền rễ hồi xanh, trong thời gian này tiếp tục đặt mồi diệt chuột. Việc bón thúc đợt 1 cũng được thực hiện bằng phân hữu cơ khoáng kết hợp làm cỏ sục bùn.
Theo dõi sát sự sinh trưởng phát triển của cây lúa, HTX thường xuyên mời cán bộ khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật về kiểm tra mô hình để chỉ đạo kịp thời, khi cây lúa đẻ nhánh xong chỉ đạo cho tháo kiệt nước để hạn chế nhánh vô hiệu. Khi lúa bắt đầu phân hóa đòng, tổ chức bón thúc đợt 2 bằng phân bón hữu cơ khoáng.
Bà con nông dân tham gia mô hình cho biết: lúa sản xuất theo phương thức máy cấy mạ khay và chăm bón bằng phân hữu cơ, sản lượng cao hơn 20% so với lúa cấy máy mạ khay chăm bón phân vô cơ và ruộng cấy theo truyền thống và gieo vãi, 1 khóm lúa có từ 9 đến 11 bông, bông to hạt sáng, sản lượng ước đạt gần 60 tạ/ha.
Khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa cũng tốt hơn, nhất là bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, chuột đỡ cắn phá hơn so với gieo vãi truyền thống. Mô hình không phải sử dụng thuốc trừ bệnh nên cũng đã giảm được chi phí đầu vào của nông sản.
Đại diện HTX Phong Hòa khẳng định: So với tập quán canh tác của bà con trước đây thường lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã làm đất bạc màu, cằn cỗi, môi trường bị ô nhiễm thì sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bằng việc sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học góp phần bảo vệ môi trường, cải tạo đất hướng tới sản xuất sản phẩm sạch.
Có thể thấy, việc triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại Hợp tác xã nông nghiệp Phong Hòa không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm mà còn góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân địa phương trong việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, bền vững, đảm bảo sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng.
Đào Duy