Chúng tôi về xã Khánh Nhạc, một trong những địa phương sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH thời gian qua. Thăm hộ gia đình bác Phạm Thị Tỵ, xóm 2A mới thấu hiểu được sự vượt khó vươn lên của bác và vai trò nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với mỗi hộ mới thoát nghèo. Bác Tỵ tâm sự: Trước đây, gia đình bác có hoàn cảnh rất khó khăn. Thế nhưng, nhờ có nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo của NHCSXH, gia đình bác đã thoát nghèo vào năm 2012. Năm 2015, được NHCSXH phổ biến Quyết định mới của Chính phủ cho vay ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo, bác đã được bình xét vay vốn ngay đợt đầu tiên. Với số vốn là 45 triệu đồng. Có vốn trong tay, bác Tỵ mua 2 con bò sinh sản và vài chục con gà, vịt. Sau 1 năm 2 con bò cái đã sinh được 2 con bê, mỗi con đến tuổi xuất bán có giá từ 15-18 triệu đồng. Ngoài ra, bác Tỵ còn cấy 1,7 mẫu lúa, trừ chi phí và chi tiêu trong gia đình, một năm qua gia đình bác tiết kiệm được trên 35 triệu đồng để trả ngân hàng. Vừa qua bác đã trả hết số tiền vay vốn ưu đãi chương trình học sinh, sinh viên cho NHCSXH. Sang năm tới, bác đặt mục tiêu phấn đấu trả hết nợ của NHCSXH, tạo cơ hội cho các hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo khác được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ.
Không chỉ có gia đình bác Tỵ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho vay hộ mới thoát nghèo mà trên địa bàn huyện Yên Khánh đã có hàng trăm hộ được thụ hưởng chương trình này và bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét. Đánh giá về việc triển khai chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo tại địa phương, bà Lê Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Yên Khánh cho biết: Thực hiện Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ tháng 9/2015, Phòng Giao dịch huyện đã phối hợp với một số đơn vị, ngành liên quan và UBND huyện tiến hành rà soát, lập danh sách các đối tượng là hộ mới thoát nghèo đủ tiêu chuẩn và chuẩn bị các điều kiện để cho các hộ vay vốn. Đồng thời, Phòng Giao dịch cũng tiến hành củng cố, nâng cao năng lực các Tổ TK&VV, các điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo triển khai có hiệu quả chương trình. Việc triển khai thêm chương trình tín dụng dành riêng cho hộ mới thoát nghèo góp phần giải tỏa được tâm lý e ngại thoát nghèo ở một bộ phận người dân, đồng thời mở ra cơ hội mới cho đối tượng này được tiếp cận dòng vốn chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa lãi suất cho vay áp dụng đối với hộ mới thoát nghèo bằng 125% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ, thấp hơn khá nhiều so với mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại cùng kỳ hạn. Phương thức cho vay, điều kiện cho vay, thủ tục quy trình cho vay,.... cũng đơn giản, không cần tài sản đảm bảo, việc giao dịch hàng tháng được thực hiện cố định tại trụ sở cấp xã, thuận lợi cho người vay vốn…
Do đó, có thể khẳng định nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo được coi là một trong những chương trình tín dụng có sức lan tỏa lớn, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là các hộ dân. Nguồn vốn này kịp thời tiếp sức cho hộ mới thoát nghèo tiếp tục có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Sau hơn 1 năm triển khai chương trình, tính đến ngày 24-10, huyện Yên Khánh có 731 hộ được thụ hưởng nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo với dư nợ 29 tỷ 395 triệu đồng, bình quân mỗi hộ vay trên 40 triệu đồng. Hầu hết các hộ vay vốn đều có mục đích sử dụng rõ ràng, minh bạch. Mức vay phù hợp và đủ đáp ứng nhu cầu cho các hộ đầu tư phát triển sản xuất kinh tế hộ. Sau vay vốn, các hộ chủ yếu đầu tư chăn nuôi bò, lợn, gia cầm, thủy cầm và bước đầu cho hiệu quả kinh tế.
Giáng Hương