Kỳ vọng vào xuất khẩu và thu hút đầu tư Sau khi hiệp định TPP có hiệu lực, điều đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra "cú hích" lớn đối với hoạt động xuất khẩu của nước ta. Các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, giày dép, thủy sản, nông nghiệp... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này.
Bà Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương nhận định: Cơ hội rõ nhất đó là thị trường xuất khẩu rộng lớn, giúp Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng giảm áp lực về thị trường truyền thống hay bị thay đổi. Điều quan trọng là hầu hết các mặt hàng nông sản sẽ giảm thuế suất xuống 0% theo lộ trình.
Để đón cơ hội này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu, trong đó tập trung vào các mặt hàng chủ lực nông nghiệp như: chế biến rau, củ quả, gạo, chăn nuôi, thủy sản; các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ như: chế tác đá, cói, thêu ren…
Giám đốc Công ty xuất khẩu chế biến cói Đổi Mới (Kim Sơn), ông Đoàn Lan cũng cho rằng: Kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của Công ty luôn tăng trưởng hàng năm. Hiện, Công ty là doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp mặt hàng cói lớn nhất Ninh Bình.
Tuy nhiên, do nhiều rào cản thương mại nên tính cạnh tranh của sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam chưa cao so với các nước trong khu vực, do đó thị trường xuất khẩu chưa nhiều. Việc Hiệp định TPP có hiệu lực cộng với các chính sách ưu đãi của tỉnh sẽ giúp cho ngành xuất khẩu thủ công mỹ nghệ ở Ninh Bình có những cơ hội lớn cạnh tranh với các nước trên thế giới.
Năm 2016, Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, hàng dệt may sẽ là một trong những ngành mà Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất. Theo thống kê từ Sở Công thương, hiện Ninh Bình đang có hơn 20 doanh nghiệp xuất khẩu dệt may.
Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may ở Ninh Bình hầu hết là doanh nghiệp FDI, chủ yếu thực hiện các khâu gia công sản phẩm. Chính vì vậy, đơn hàng cũng như thị trường không mấy khó khăn.
Để đón đầu cơ hội phát triển của ngành dệt may khi thuế suất xuất nhập khẩu giảm về 0% khi Việt Nam gia nhập TPP, một số nhà đầu tư nước ngoài cũng đã nâng cấp dây chuyền sản xuất, mở rộng dự án. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh cũng đang có những bước chuẩn bị tích cực cho cơ hội từ TPP.
Giám đốc Công ty may Vạn Xuân cho biết: "Tôi tin tưởng rằng, ngành dệt may từ năm 2016 trở đi sẽ không thiếu đơn hàng. Vì vậy, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại để tăng cường sản xuất; đồng thời chú trọng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực".
Ông Đỗ Ngọc Tân, Phó phòng Quản lý xuất nhập khẩu Ninh Bình cho biết: Thực tế cho thấy, dệt may là ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế tại một số thị trường của các nước TPP và cũng là ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi TPP có hiệu lực do hầu hết thuế quan sẽ được xóa bỏ ngay lập tức.
Ngoài cơ hội cho xuất khẩu, TPP còn được coi là dòng chảy thu hút đầu tư, đặc biệt là ngành dệt may và nông nghiệp TPP sẽ có sự tác động, ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến tình hình thu hút đầu tư của Ninh Bình cũng như cả nước. Hiệp định này hứa hẹn sẽ tạo dòng chảy thu hút đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới". ông Đỗ Ngọc Tân, Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu Ninh Bình nhận định.
Bên cạnh những ưu thế về các ngành hàng chủ lực của tỉnh phát triển, Ninh Bình hiện cũng là một trong những tỉnh có môi trường đầu tư tốt. Năm 2015, Ninh Bình đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 45 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 3,7 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, hiện nay Ninh Bình đang tiếp tục tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, thu hút các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; thân thiện với môi trường, tiêu tốn năng lượng thấp, không thâm dụng lao động, nhằm từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời tỉnh đã và sẽ tiếp tục có những chính sách hợp lý, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thách thức đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ
Hiện toàn tỉnh có hơn 4.000 doanh nghiệp, trong đó trên 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết các doanh nghiệp này hạn chế về vốn, công nghệ, năng lực quản lý, kinh nghiệm tiếp cận thị trường. Việc cạnh tranh trong nước đã khó, khi Hiệp định TPP có hiệu lực và phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ doanh nghiệp lớn bên ngoài, những điểm yếu của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ càng bộc lộ rõ nét.
Thực tế cho thấy, đa phần các doanh nghiệp vẫn đang mù mờ thông tin về Hiệp định TPP. Hạn chế này sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí thua thiệt về mặt pháp lý khi tham gia thương mại quốc tế. Ông Đinh Quốc Chiến- Chủ tịch Hội DN thành phố Ninh Bình đã đưa ra một số kiến nghị đối với các cơ quan Nhà nước nhằm giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp:
"Các cơ quan Nhà nước cần hỗ trợ thông tin ngay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cảnh báo về những thách thức của TPP. Từ đây, doanh nghiệp sẽ hiểu sản phẩm của mình đang sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thuận lợi gì khi hội nhập vào TPP... Hỗ trợ thứ hai rất quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là hỗ trợ về mặt pháp lý".
Tiến trình hội nhập kinh tế thế giới thông qua TPP không còn xa nên đòi hỏi các cơ quan, doanh nghiệp phải tự chuẩn bị để đón nhận cơ hội cũng như thách thức khi Việt Nam tham gia sân chơi này.
Bà Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Trước hết các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm bằng cách xây dựng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như kê khai nguồn gốc, xuất xứ, kiểm soát chất lượng, chứng nhận sản phẩm…
Bên cạnh đó, cần chủ động nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp… để giữ vững thị phần trong nước, đồng thời tìm kiếm các thị trường mới để đầu tư phát triển.
Thời gian tới, Sở Công thương cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa chương trình xúc tiến thương mại thông qua các triển lãm, hội chợ quốc tế trong nước và khu vực để giúp các doanh nghiệp Ninh Bình có cơ hội tiếp cận với thị trường thế giới.
Rõ ràng, cơ hội từ TPP rất lớn nhưng theo đó là những thách thức không hề nhỏ, doanh nghiệp phải chủ động "xắn tay hành động" ngay từ bây giờ để đón đầu các cơ hội cũng như vượt qua những thách thức này.
Phúc Nguyên