Trong giai đoạn 2011 - 2019, hàng năm Ban Dân vận Tỉnh ủy đều ban hành kế hoạch về công tác dân vận thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phối hợp với các ban, ngành, MTTQ, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động làm cho cộng đồng dân cư và mỗi người dân nắm vững, hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa, nội dung chương trình cũng như các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Để có cơ sở khoa học trong chỉ đạo thực hiện, năm 2011, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã nghiên cứu đề tài khoa học "Công tác vận động nhân dân xây dựng mô hình tự quản trong xây dựng nông thôn mới"; năm 2012 nghiên cứu đề tài "Xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận trong xây dựng nông thôn mới"; năm 2013, Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì tổ chức cuộc hội thảo về "Thực trạng và giải pháp vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới" nhằm trao đổi, bàn bạc, thảo luận những kinh nghiệm hay, những mô hình điển hình trong công tác xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho các đơn vị cơ sở nêu lên những khó khăn, vướng mắc, bất cập, trong xây dựng nông thôn mới. Cũng trong năm 2013, tổ chức Hội thi "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, hàng năm Ban Dân vận Tỉnh ủy mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về phương pháp, nội dung công tác dân vận tham gia xây dựng nông thôn mới cho cán bộ, chuyên viên trong hệ thống dân vận. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn UBND các xã rà soát bổ sung các hương ước, quy ước ở thôn, xóm, bản phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Phối hợp chỉ đạo có hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tham mưu thành lập tổ dân vận thôn, xóm gắn với xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao chất lượng công tác dân vận ở cơ sở, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Phối hợp với MTTQ, các đoàn thể cấp tỉnh tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo xây dựng các mô hình "Dân vận khéo" trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới; phát triển các hình thức tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; dạy nghề cho nông dân; tăng thu nhập, giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa; tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt trong năm 2019, hệ thống dân vận đã tham mưu với Ban Chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" các cấp, các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào thi đua gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Chủ đề công tác năm 2019 của Tỉnh ủy; tăng cường các hoạt động, đảm nhận các công trình, phần việc thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 60 năm Bác Hồ về thăm Ninh Bình chỉ đạo sản xuất nông nghiệp; xây dựng mô hình "Dân vận khéo" giúp các xã đăng ký hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới trong năm 2019. Vận động các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đăng ký xây dựng mới 34 mô hình, điển hình "Dân vận khéo", nâng tổng số mô hình, điển hình "Dân vận khéo" toàn tỉnh giai đoạn 2018-2020 lên 1.079 mô hình.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, năm 2018 hệ thống dân vận toàn tỉnh đã giúp đỡ được 344 hộ thoát nghèo, trong đó 262 hộ nghèo, 75 hộ cận nghèo, 7 hộ khó khăn; phấn đấu đến hết năm 2019 hệ thống dân vận toàn tỉnh đăng ký giúp đỡ ít nhất 255 hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo. Từ đầu năm 2019 đến nay, hệ thống dân vận các cấp phối hợp hỗ trợ xây mới 48 nhà cho các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, các xã đăng ký về đích nông thôn mới, các xã đặc thù của tỉnh theo Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy...
Với những hoạt động cụ thể, thiết thực của hệ thống dân vận trong tỉnh, đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; vận động, phát huy vai trò chủ thể, tính chủ động, sáng tạo, tự giác, tự quản, nội lực của nhân dân, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cộng đồng cư dân nông thôn, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ nại trong tổ chức thực hiện. Đa số người dân đã hiểu đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, tích cực đóng góp công sức, tiền của, đất đai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Hoa Lư và Yên Khánh; thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 91/119 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân toàn tỉnh mỗi xã có 17,8 tiêu chí đạt chuẩn; không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí...
Vân Giang