Đến thăm gia đình cụ Bùi Văn Phúc ở thôn Hội Tiến 2, xã Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan) - một gia đình có công với cách mạng với bốn thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Cụ Phúc cho biết: Dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng cho tới nay đã thành nếp, gia đình chúng tôi luôn coi trọng, duy trì việc giáo dục con cháu trân trọng những giá trị truyền thống của gia đình, đặc biệt mỗi khi Tết đến, Xuân về. Chính những giá trị truyền thống ấy đã làm tăng thêm tình cảm gắn kết giữa bốn thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà trong suốt mấy chục năm qua.
Trong gia đình bốn thế hệ ấy hiện có 8 người ngày ngày vẫn chung mâm cơm và vẫn giữ được không khí đầm ấm, hòa thuận. Cao tuổi nhất đó là cụ ông Bùi Văn Phúc bước sang tuổi 90 và cụ bà Đinh Thị Đóa, 88 tuổi. Tuổi cao, song hai cụ vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Bác Bùi Văn Vịnh, con trai cả của cụ Phúc vui vẻ cho biết: Bố mẹ tôi đều là tấm gương mẫu mực để con cháu noi theo, luôn động viên con cháu phải giữ nền nếp, gia phong, nhất là mỗi khi Tết đến, Xuân về. Thường thì đến ngày 27 Tết con cháu trong gia đình sẽ về đông đủ. Khi đó cả gia đình, mỗi người mỗi việc đều bắt tay vào chuẩn bị cho cái Tết sắp đến.
Làm dâu đã 33 năm, bác Lê Thị Lan, vợ bác Vịnh là người sắm sửa chính trong gia đình vào những ngày giáp Tết. Bác Lan cho hay: Trong những ngày Tết, gia đình tôi coi trọng nhất là việc sắm sửa bánh kẹo, hoa quả, trang trí cho bàn thờ tổ tiên, đến các loại thực phẩm gạo, đỗ, thịt, lá dong để gói bánh chưng và giò… vợ chồng cậu con trai cả của chúng tôi hiện công tác tại Lữ đoàn 241, Quân đoàn 1 tranh thủ ngày nghỉ ra chợ sắm cành đào, cây quất, dọn dẹp nhà cửa. Gia đình cậu con trai thứ hai của tôi hiện đang sinh sống tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) khi về Tết tham gia giúp gia đình gói bánh chưng. Bên ấm trà nóng, cạnh nồi bánh chưng đang sùng sục sôi, cụ Phúc thường trò chuyện hỏi han con cháu về công việc trong một năm qua. Bữa cơm chiều 30 Tết là một sự kiện trong chuỗi sự kiện ăn Tết của gia đình "tứ đại đồng đường" cụ Bùi Văn Phúc. Đó là bữa cơm rước ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu và cũng là bữa tất niên được quy định không thể thiếu bất cứ một thành viên nào trong gia đình.
Đặc biệt vào thời khắc đêm giao thừa, cụ Phúc chuẩn bị rượu, nước ngọt, lì xì đợi con trai đi lễ về xông nhà. Bác Vịnh cũng chuẩn bị sẵn một phong bao lì xì để mừng tuổi bố, mẹ và chúc một năm mới sức khỏe dồi dào, vui vẻ cùng con cháu. Sáng mùng 1 Tết, con trai, gái, các cháu tụ hội đông đủ, những phong bao lì xì được mọi người chuyền tay nhau với những lời chúc may mắn. Từ ngôi nhà ấy, cả đại gia đình cùng đi chúc Tết họ hàng, làng xóm và đi lễ chùa cầu may. Và năm nào cũng vậy, cứ mùng 3 Tết là các con cháu lại quây quần về cùng hóa vàng "tiễn chân các cụ", nhưng năm nay, không khí Tết gia đình cụ Phúc còn vương vấn đến hết tháng giêng bởi Xuân này, cụ Phúc vui mừng được nhận thiệp mừng thọ của Chủ tịch tỉnh khi cụ vừa tròn tuổi 90.
Cũng giống như gia đình cụ Bùi Văn Phúc, gia đình bác Lê Thị Suy (xã Gia Phương, Gia Viễn), không khí Tết đến từ ngày 23 tháng chạp, khi đại gia đình quây quần bên mâm cỗ để tiễn ông Táo về trời. Bác Suy là dâu con thuộc thế hệ thứ 2 trong gia đình có tới 4 thế hệ ấy. Vừa là con dâu, vừa là mẹ chồng nên bác luôn cố gắng sống thật mẫu mực. Vừa là để thành tâm báo hiếu mẹ chồng, vừa là để làm gương cho các con, cháu noi theo. Bác chia sẻ, chừng ấy năm sống quây quần bên nhau trong căn nhà chung, có vui, có buồn, có lúc giận hờn nhưng thứ mà các thành viên trong gia đình nhận được ấy chính là tình yêu thương, đùm bọc, không khí đầm ấm, yên vui. Về làm dâu gia đình đã ngót 40 năm, cùng gia đình trải qua những thời điểm gian khó, nuôi dạy con cháu học hành nên người, bởi vậy mà bác càng thêm yêu cái gia đình lớn của mình. Cả con dâu và con gái bác đều là nhà giáo được học trò yêu mến, con trai bác là một kỹ sư điện có tay nghề giỏi, các cháu nội, ngoại của bác đều chăm ngoan, học giỏi… Mỗi khi nhà có công, có việc, con cháu nội ngoại lại tập trung gánh vác, chia sẻ, bởi vậy, công việc luôn thuận lợi và lòng người thêm gắn bó. Tuy đông người, nhưng ngày thường các con đi làm, các cháu đi học nên nhà cũng vắng vẻ. Đây chính là thời điểm bác Suy dành thời gian để chuyện trò bầu bạn với mẹ chồng- cụ Tuyến năm nay đã gần 90 tuổi. Bác tranh thủ sửa lại cho mẹ cái khuy áo, cắt cho mẹ cái móng tay hay đơn giản hơn, bác ngồi để nghe mẹ chồng tâm sự về những kỷ niệm đã qua. Từ những gắn bó đó mà tình cảm của bác Suy và mẹ chồng không đơn thuần chỉ là lễ nghĩa mẹ chồng-nàng dâu mà còn là người bạn sớm tối. Hai người phụ nữ tảo tần ấy lúc nào cũng chăm chút, lo toan cho gia đình và cùng nhau tìm những giải pháp để gìn giữ gia đình hòa thuận, trên kính dưới nhường.
Bác Suy cho biết: Những cái Tết của gia đình bác năm nào cũng đặc biệt và đáng nhớ lắm. Bắt đầu từ ngày người lớn nghỉ việc ở cơ quan, trẻ con nghỉ học ở trường, không gian như rộn rã hẳn bởi tiếng cười, nói rộn ràng. Đây cũng là thời điểm nàng dâu của các thế hệ trổ tài nội trợ. Mỗi người một tính cách, người đảm đang, người có chút vụng về nhưng ở họ đều có điểm chung ấy là tình yêu thương vô bờ bến dành cho gia đình lớn của mình. Cách chọn thịt thế nào cho tươi, cho ngon, cách cắt miếng làm sao cho vừa ăn và đẹp mắt hay cách muối vại dưa cải sao cho giòn, cho thơm… đều được các bà, các mẹ truyền cho con, cháu gái vào dịp này.
Và khi những nụ đào bung nở, ấy cũng là lúc đất trời giao hòa, vạn vật chuẩn bị bước vào một vòng quay mới của trái đất. Các thành viên trong gia đình bác Suy tập trung làm mâm cơm tất niên để thành tâm cúng tổ tiên. Bác Suy bảo, mâm cỗ nhà quê giản dị lắm. Đó đều là các thức mà gia đình tự tay làm ra. Song, tôi tự hào vì mâm cơm ấy chứa đựng sự biết ơn, tấm lòng thơm thảo của con cháu dâng lên tổ tiên. Trong bữa cơm đầm ấm ấy, mọi người trong gia đình râm ran kể cho nhau nghe về một năm đã qua và những dự định trong một năm sắp đến. Và người vui nhất bao giờ cũng là cụ Tuyến. Cụ tự hào vì mỗi năm, gia đình cụ lại có thêm niềm vui mới từ các con, các cháu. Và điều cụ vui hơn cả, đó là dù ngày càng trưởng thành, nhưng các con, cháu của cụ vẫn ngoan ngoãn, gìn giữ được nền nếp gia phong của tổ tiên để lại. Từ thời khắc ấy, dù năm cũ chưa hẳn đã đi qua nhưng với đại gia đình bác Suy thì Tết đã bắt đầu. Một mùa xuân mới đã sang.
Bài, ảnh: Hà Mi