Chị Trần Thị Thanh (phố Phú Xuân, phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Lẽ ra hàng Tết phải từ phố về quê mới đúng vì thành phố mới là nơi tập kết nhiều hàng hóa phục vụ Tết. Nhưng vì không yên tâm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nên đành phải quay ngược lại chu trình vận chuyển hàng hóa: cứ về quê cho yên tâm.
Để minh chứng cho lời nói của mình, chị Thanh kể: Từ mấy năm nay, gia đình tôi và mấy gia đình trong phố đều rủ nhau "đụng" chung con lợn nhờ người họ hàng nuôi ở quê. Một con lợn khoảng 30-35 kg, chia 4 phần cho 4 nhà. Vui nhất là các nhà tổ chức giã giò, nấu bánh chưng cùng nhau nên trẻ con được bữa vui, tha hồ thưởng thức không khí của Tết Nguyên đán cổ truyền…
Tháng cuối giáp Tết, trong câu chuyện của chị em công sở cũng xoay quanh chủ đề muôn thuở là thực phẩm Tết. Cứ người nào có gia đình, họ hàng ở quê là mọi người lại nhờ tìm nguồn thực phẩm sạch để phục vụ Tết.
Nắm bắt nhu cầu của mọi nhà và cũng là để phục vụ cho gia đình mình, nhiều người đã liên hệ với người nhà ở quê để nhờ đặt mua các thực phẩm thiết yếu như: gà, lợn, rau sạch, hoa quả, gia vị, đồ khô… Từ mối quan hệ này, mọi người đã liên kết với nhau thành một nhóm để thuận tiện cho việc mua chung, vận chuyển chung.
Đáp ứng nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng ở phố, những năm gần đây thực phẩm "sạch" không còn khan hiếm, khó tìm như trước. Anh Nguyễn Văn Chiến (phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình) cho biết: Do gia đình ở quê có điều kiện chăn nuôi nên anh về quê đặt mua chục con lợn để nuôi trước Tết 4-5 tháng. Lợn được nuôi theo phương pháp "sạch" đúng nghĩa, nghĩa là không cho ăn cám công nghiệp mà ăn bằng thức ăn có sẵn ở quê, thả rông trong vườn. Tiện thể, anh trồng thêm giàn su su, bí xanh, thả đàn gà vài chục con…
Trước Tết cả tháng, thông tin về thực phẩm sạch của gia đình được anh đưa lên mạng xã hội facebook nên đơn đặt hàng khá nhiều. Có năm không đáp ứng hết nhu cầu đặt hàng, chỉ ưu tiên cho người quen, bạn bè. Chuyên nghiệp hơn anh Chiến, gia đình anh Tiến ở xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh) nhận thấy nhu cầu thực phẩm sạch của người dân thành phố rất lớn nên đã từ quê ra thành phố thuê một ki ốt nhỏ ở gần khu Nhà thi đấu tỉnh để làm dịch vụ.
Hàng ngày, từ sáng sớm anh Tiến chạy xe từ Khánh Thành lên, đem theo các sản phẩm rau sạch của HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành như: cải ngọt, cải ngồng, dưa chuột, cà chua, bí xanh, rau gia vị… được trồng chính vụ và theo hướng VietGap để phục vụ người tiêu dùng thành phố.
Dù cửa hàng mới được mở chưa lâu nhưng anh Tiến đã có lượng khách hàng đáng kể, đủ để anh mạnh dạn tìm kiếm nguồn thực phẩm sạch về phục vụ thêm như: thịt lợn, thịt gà, thịt nghé, thịt bò, giò lợn…Dịp Tết, anh nhận đơn hàng theo nhu cầu của khách hàng và đã đi tìm, lựa chọn, ký kết với các gia đình có nguồn thực phẩm bảo đảm để sẵn sàng cung cấp cho khách.
Tuy quy trình vận chuyển hàng Tết có hơi ngược khi xuất phát từ quê ra phố, nhưng nguồn thực phẩm "made in" quê hương được người tiêu dùng đón nhận với tâm lý an tâm, phấn khởi. Nhiều người vẫn bảo nhau: Cầm trên tay nải chuối, quả bưởi quê cũng cảm nhận được hương vị quê hương vì quả có mùi thơm, khác với những loại quả "ướp" hóa chất không còn mùi vị gì ở ngoài chợ…
Năm qua, cuộc vận động "Nói không với thực phẩm bẩn" do các cấp Hội Nông dân phát động và chủ trì thực hiện đã có những bước đi đầu tiên khi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người chăn nuôi, trồng trọt chấp hành nghiêm các quy định của Luật An toàn thực phẩm, ký cam kết có những việc làm, hành động cụ thể trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Bùi Diệu