Thu ngân sách đạt trên 82% Theo đồng chí Phạm Hồng Thanh, Cục trưởng Cục hải quan Hà Nam Ninh, để hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2018, ngay từ đầu năm Cục đã triển khai, thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Thuế xuất, nhập khẩu, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng; các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan liên quan đến công tác thuế.
Lãnh đạo Cục đã thường xuyên chỉ đạo các Chi cục, phòng nghiệp vụ rà soát hồ sơ báo cáo thuế, hồ sơ xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời có hướng dẫn, kịp thời giúp đỡ doanh nghiệp nếu phát hiện có sai sót. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thuế xuất, nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đôn đốc các doanh nghiệp nộp thuế kịp thời vào ngân sách Nhà nước (NSNN). Tăng cường công tác thu hồi nợ thuế, không để nợ xấu phát sinh. Thực hiện nghiêm Quyết định số 384/QĐ-TCHQ ngày 4/3/2016 của Tổng cục Hải quan về quy chế trao đổi thông tin tờ khai hải quan điện tử, thu nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, tiền phí, lệ phí và các khoản phải thu, bảo lãnh thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Chi cục Hải quan Ninh Bình đã triển khai thực hiện Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 nhằm tăng thu NSNN. Tổ chức thu hồi nợ có khả năng thu, đảm bảo thu hết số nợ được giao theo Quyết định 866/QĐ-TCHQ ngày 23/3/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; đồng thời không để phát sinh nợ mới trong năm 2018 từ hoạt động kiểm tra sau thông quan, thanh tra kiểm tra.
Bên cạnh đó, Chi cục Hải quan Ninh Bình đã rà soát việc không khai báo thuế suất thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng chịu thuế đã chi tiết mô tả và mã số ở cấp độ 8 số hoặc 10 số tại Biểu thuế xuất khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ và Nghị định 125/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Cục Hải quan Hà Nam Ninh, Chi cục Hải quan Ninh Bình đã vận động các doanh nghiệp có trụ sở tại địa bàn tỉnh Ninh Bình về làm thủ tục tại Chi cục nhằm tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Cùng với đó, việc Cảng cạn ICD Phúc Lộc đi vào hoạt động góp phần tăng thu tối đa cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh các giải pháp tăng thu ngân sách, ngành Hải quan đã tăng cường hoạt động của Tổ tư vấn pháp lý, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật theo tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, chấp hành pháp luật và thu hút đầu tư.
Cập nhật kịp thời, đầy đủ và niêm yết công khai các thủ tục hành chính (TTHC), địa điểm làm thủ tục hải quan tại các đơn vị thuộc Cục để cộng đồng doanh nghiệp kịp thời nắm bắt và thực hiện có hiệu quả các TTHC đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong thực hiện TTHC. Tiếp tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 đối với TTHC tại Cục và tất cả các Chi cục trực thuộc.
Thường xuyên thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ và các việc có liên quan và tham gia ý kiến, góp ý đầy đủ vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính, sở, ngành liên quan và UBND các tỉnh khi có yêu cầu.
Kết quả, đến ngày 26/6, tổng số tờ khai xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là 22.556 tờ (xuất khẩu: 7.919 tờ, nhập khẩu: 14.637 tờ); kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 1.733 triệu USD (xuất khẩu: 638 triệu USD, nhập khẩu: 1.094 triệu USD); thu ngân sách đạt 2.032 tỷ đồng, đạt trên 82% dự toán năm.
Những mặt hàng góp phần thu ngân sách trong những tháng đầu năm 2018 tại Chi cục Hải quan Ninh Bình là: Linh kiện lắp ráp ô tô của Nhà máy ô tô Thành Công, gỗ của Công ty gỗ Tài Anh, máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định của Công ty kính Hạ Long, Công ty TNHH Long Sơn, Công ty TNHH Vissai; khoáng sản xuất khẩu.
Vẫn còn những nhiệm vụ nặng nề
Theo đánh giá của đồng chí Lê Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Ninh Bình, năm 2018 Chi cục Hải quan Ninh Bình được giao dự toán thu ngân sách là 2.480 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2017. Đây là trách nhiệm hết sức nặng nề của Hải quan Ninh Bình trong điều kiện nền kinh tế trong nước và địa phương vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nợ thuế chây ỳ, Chi cục Hải quan Ninh Bình đã áp dụng nhiều biện pháp thu hồi nhưng chưa có kết quả.
Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2018 không có dự án đầu tư mới, các dự án đầu tư cũ, có số thu nộp ngân sách cao những năm trước đến nay đã đi vào hoạt động, sản xuất, số thu đóng góp cho tỉnh không còn nhiều.
Điểm mới trong các quy định về thuế có hiệu lực từ năm nay là Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện phụ tùng ô tô theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP có hiệu lực đã tác động lớn đến số thu nộp ngân sách năm 2018 của Chi cục. Điều này sẽ làm giảm số thu trong năm ngân sách đối với các linh kiện ô tô nhập khẩu đã đăng ký tham gia chương trình.
Trước những khó khăn trên, Chi cục Hải quan Ninh Bình đã phối hợp thường xuyên với Cục thuế, Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại thực hiện thu nộp kịp thời cho NSNN. Thực hiện tốt công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế qua công tác tham vấn giá, xác định trị giá, xác định mã số, tính thuế, kiểm tra sau thông quan.
Đơn vị cũng đã chủ động gặp gỡ doanh nghiệp để nắm được nguồn hàng xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất nhập khẩu và số thuế hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ nộp của doanh nghiệp, từ đó bố trí lực lượng làm thủ tục hải quan, tính thuế và thu thuế kịp thời.
Tăng cường công tác xử lý nợ thuế thông qua theo dõi số nợ thuế phát sinh hàng ngày ở cả 2 nhóm tài khoản chuyên thu và tạm thu. Tích cực tuyên truyền, nhắc nhở doanh nghiệp nộp thuế đúng hạn. Đảm bảo thu hồi đầy đủ các khoản nợ thuế mới phát sinh, không để phát sinh nợ thuế quá hạn; cập nhật đầy đủ, chính xác các thông báo tiền chậm nộp vào chương trình kế toán thuế tập trung.
Trong thời gian tới, Chi cục Hải quan Ninh Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính, áp dụng thủ tục hải quan điện tử, truyền nhận chứng từ điện tử qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan VNACCS/VCIS, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, làm giảm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp.
Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn Luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác về chính sách, thủ tục hải quan, chính sách xuất, nhập khẩu... Tuyên truyền các văn bản pháp luật về hải quan kịp thời đến các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.
Xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm triển khai Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa của Cục Hải quan Hà Nam Ninh giai đoạn 2016 - 2021. Tiếp tục rà soát các doanh nghiệp làm dịch vụ giao nhận, thủ tục hải quan (logistic), yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định pháp luật hải quan, chống việc lợi dụng cơ quan hải quan để trục lợi, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan hải quan.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm