Vẫn không rời mắt khỏi màn hình, biểu cảm khuôn mặt căng thẳng theo diễn biến của trận đánh đang diễn ra, em Nguyễn Đức T. phường Ninh Sơn (thành phố Ninh Bình) cho biết: trong năm học, thỉnh thoảng em cũng đi chơi game. Nhưng khi đã hoàn thành việc thi cử, chuẩn bị nghỉ hè thì "tần suất" em đi chơi game cũng nhiều hơn. Ban đầu chỉ là do em không có điểm vui chơi, dần dần thành thói quen và đam mê. Trương Đức P. ở phường Bích Đào cũng là một "khách ruột" của điểm cung cấp trò chơi online. Dáng người nhỏ thó, đôi mắt luôn nhìn xuống khi trò chuyện với người đối diện, P. chia sẻ rằng cuộc sống ngoài trường học của em rất tẻ nhạt. Sau giờ học, em ở nhà một mình do bố mẹ mải mê đi làm. Thứ duy nhất mang lại niềm vui cho em, chính là được "ôm" chiếc máy tính, bước vào một thế giới khác. ở đó, em luôn là người giành chiến thắng. Hai tay đan vào nhau khi chúng tôi nhắc cho em nhớ về những trường hợp gây ra bi kịch cho cộng đồng và cho chính bản thân người chơi khi nghiện game, P. ngập ngừng: Em biết chơi game là không tốt, bản thân em sau những giờ phút chơi game thì tinh thần cũng rất căng thẳng, mệt mỏi, không còn sức khỏe để học bài. Em sẽ cố gắng hạn chế chơi game. Song, em rất mong sẽ có nhiều sân chơi bổ ích để thiếu niên chúng em có thể giải trí sau giờ học căng thẳng. Bởi nếu thiếu các sân chơi thì việc "đoạn tuyệt" với game sẽ rất khó khăn.
Theo thống kê từ ngành chức năng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 điểm truy cập Internet, dịch vụ trò chơi điện tử công cộng được cấp phép hoạt động. Qua kiểm tra của lực lượng chức năng thì tại các điểm dịch vụ trò chơi điện tử hầu hết là trẻ vị thành niên chơi game. Thiếu tá Trần Đình Thuần, Phó Trưởng Công an phường Bích Đào (thành phố Ninh Bình) cho biết: Trên địa bàn phường thời gian qua chưa xảy ra những sự việc đau lòng do ảnh hưởng bởi các trò chơi trực tuyến, nhưng thực tế, vẫn có tình trạng trẻ em bỏ nhà đi chơi game nhiều ngày, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, học tập và việc hình thành nhân cách, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới phạm tội do học và làm theo các loại game bạo lực. Trước thực tiễn đó, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các nhà trường, gia đình, nhất là những gia đình có trẻ chơi game để tuyên truyền, vận động. Đồng thời tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý vi phạm tại các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử. Tuy nhiên, trong mỗi gia đình, các thành viên cần gương mẫu, phối hợp chặt chẽ để quản lý tốt việc cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử, từ đó hướng dẫn cho trẻ sử dụng Internet một cách an toàn, bổ ích.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng bộ môn Giáo dục thể chất - Tâm lý, Trường Đại học Hoa Lư chia sẻ: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nghiện game trong giới trẻ. Với game, một người một máy, họ nhìn thấy cả thế giới. Họ tìm kiếm trong thế giới ảo những thứ mà thế giới thật còn thiếu. Trong khi đó, nhiều gia đình mải mê với những công việc để mưu sinh mà thiếu sự quan tâm toàn diện tới con em mình. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh vô tình trở thành người đưa con em mình đến với thế giới ảo khi trao cho con toàn quyền sử dụng các thiết bị thông minh mà thiếu sự định hướng, giám sát chặt chẽ. Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với nhiều nhà trường tổ chức những buổi học kỹ năng sống cho trẻ theo từng chủ đề, trong đó có chủ đề phân tích về những tác hại của game online, hướng dẫn trẻ lựa chọn những chương trình, trò chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi… Trong những buổi nói chuyện với các em, chúng tôi đã phân tích bằng hình ảnh, tăng cường sự giao lưu, trao đổi cởi mở trực tiếp với trẻ để trẻ tự nói lên suy nghĩ, hiểu biết của bản thân. Đa số, trẻ em cho rằng việc thiếu sân chơi, thiếu sự quan tâm, trò chuyện của bố mẹ… đã khiến trẻ phải tìm đến các chương trình game để giải trí.
Cũng theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, để giúp con trẻ xây dựng lối sống lành mạnh, bảo vệ trẻ khỏi những hệ lụy từ mặt trái của các chương trình game online, đòi hỏi phải có sự chung tay chặt chẽ từ gia đình, nhà trường và cộng đồng, trong đó gia đình đóng vai trò then chốt. Trẻ em sẽ không nghe những lời khuyên sáo rỗng, mà chúng cần có tấm gương thực tế để noi theo. Bởi vậy, bố mẹ cần hạn chế sử dụng thiết bị thông minh, dành nhiều thời gian để chơi cùng con, hướng dẫn con lựa chọn những chương trình phù hợp với lứa tuổi để phát huy tối đa hiệu quả của các thiết bị điện tử thông minh, của mạng internet, phục vụ cho nhu cầu học tập, giải trí lành mạnh. Các bậc phụ huynh phải là người gần gũi, đưa con tham gia vào các hoạt động cộng đồng để trẻ được vui chơi, được cảm nhận hạnh phúc từ cuộc sống sôi động. Cùng với đó, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện những quy định bắt buộc đối với các điểm kinh doanh internet. Xa hơn, cần xây dựng chế tài đủ mạnh để các chủ quán Net phải từ chối những học sinh nhỏ tuổi hoặc có những chính sách để phổ cập game giáo dục hấp dẫn, chất lượng vào trong nhà trường. Chỉ có sự sát sao và các chương trình hành động thiết thực từ nhiều phía thì mới có thể giải quyết căn cơ được vấn đề này.
Bài, ảnh: Đào Hằng