Tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tăng đột biến trong những ngày rét đậm. Trong đó, khoa Nội nhi là khoa có số bệnh nhi đông, tăng nhiều hơn cả. Mỗi ngày có từ 25-30 bệnh nhân nhập viện điều trị, với các chứng bệnh do thời tiết rét đậm như viêm phế quản, tiểu phế quản, viêm phổi, viêm mũi dị ứng hoặc các bệnh tràm sữa, mề đay... với rất nhiều trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi phải cấp cứu, điều trị tích cực.
Chị Nguyễn Thị Thương, xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) có con trai mới 2 tháng tuổi, được cấp cứu trong tình trạng ho, khó thở. Chuyển tuyến xuống Bệnh viện Sản - Nhi, cấp cứu vào khoa Nội nhi, được chẩn đoán viêm phổi cấp, điều trị tích cực. Chị Thương cho biết: Thời tiết chuyển rét, con trai chị sinh mổ, sức đề kháng yếu, mắc bệnh viêm phổi, triệu chứng ho nhiều, khó thở, không bú mẹ, sau 3 ngày điều trị tích cực, hiện sức khỏe ổn dần.
"Chăm sóc con tại bệnh viện, được các bác sĩ điều trị và hướng dẫn cách chăm sóc con đúng cách, theo khoa học. Tôi hiểu ra, những ngày thời tiết rét đậm, không phải cứ mặc nhiều quần áo, ôm ấp con mới ấm và tốt. Vì trẻ hay đổ mồ hôi trộm, nếu mặc nhiều quá, sẽ toát mồ hôi có thể ngấm lại vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao. Trường hợp con trai tôi cũng vậy. Do chưa có kinh nghiệm, nên cứ mặc nhiều và quấn chăn ấm để con khỏi nhiễm lạnh. Thành ra cháu bị ngấm ngược lại, gây viêm phổi..." - chị Thương chia sẻ.
Bác sĩ Trần Thị Ánh Hồng, Phó khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh cho biết: Những ngày thời tiết rét đậm, khoa Nội nhi luôn phải kê thêm các giường bệnh, để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhi. Khoa thường có 170 đến gần 200 bệnh nhân điều trị, đợt cao điểm có trên 200 bệnh nhân. Những ngày trời rét, nhiệt độ thường giảm sâu, ban ngày và đêm chênh lệch nhau từ 8-10 độ. Từ đó, trẻ hay mắc các bệnh chủ yếu như viêm phổi, hen suyễn, viêm phế quản và nhiều bệnh dị ứng do thời tiết chuyển rét đậm như mề đay, viêm mao mạch, tràm sữa... khiến trẻ sốt cao, khó thở, quấy khóc, mệt mỏi, bỏ ăn...
"Chăm sóc trẻ em mùa lạnh, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, đòi hỏi sự quan tâm và kiến thức hiểu biết của cha mẹ. Như, cần giữ ấm bằng cách mặc đủ ấm, nhưng chú ý, buổi tối nếu mặc quá ấm đi ngủ đến khi nóng quá, trẻ sẽ toát mồ hôi, từ đó có thể ngấm lại vào cơ thể, gây cảm lạnh, sốt cao. Đồng thời, cần cho trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng, uống thêm nước ấm, tránh cho trẻ ra ngoài mà không đeo khẩu trang. Thêm vào đó, cần tiêm phòng đủ các loại vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu có điều kiện, tiêm phòng thêm các loại bệnh truyền nhiễm mới nổi, bệnh theo mùa mà đã có vắc xin dự phòng, nhằm chủ động phòng bệnh cho trẻ..." - bác sĩ Ánh Hồng cho biết thêm.
Dự báo thời tiết mùa đông năm nay có những diễn biến phức tạp với nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài và luôn có những đợt không khí lạnh tăng cường mạnh. Trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng miền núi, có nơi xảy ra rét đậm, rét hại với nhiệt độ phổ biến từ 11-14 độ C, nhiệt độ thấp nhất vào ban đêm có thể xuống 6-8 độ C, dễ xảy ra giá buốt và sương muối. Để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, đòi hỏi mỗi người cần quan tâm đến sức khỏe bản thân và gia đình, đặc biệt là người già và trẻ em.
Theo các bác sĩ, hiện nay, nhiều gia đình dùng đèn sưởi, điều hòa nhiệt độ chiều nóng để tăng nhiệt độ trong phòng. Tuy nhiên, cũng cần chú ý nhiệt độ để phù hợp, không để quá nóng. Nhiều trẻ sơ sinh, da mỏng, nếu để quá gần đèn sưởi dẫn tới hiện tượng bỏng da. Đặc biệt, không nên sưởi ấm phòng bằng bếp than tổ ong hoặc củi trong phòng kín, gây nguy cơ phát sinh khí cacbonic, giảm khí ôxy, để trong thời gian dài ảnh hưởng đến sức khỏe, dễ dẫn tới hiện tượng hôn mê, tổn thương não, chết ngạt...
Mới đây, Bộ Y tế có văn bản yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức trực chuyên môn, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, nhất là ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa; tăng cường giữ ấm, tránh rét cho bệnh nhân tại các cơ sở y tế.
Theo đó, để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện một số nội dung như: Thường xuyên cập nhật tỉnh hình thời tiết, diễn biến không khi lạnh, rét đậm, rét hại để có phương án chuẩn bị phòng, chống. Rà soát các kế hoạch, phương án ứng phó với rét đậm, rét hại.
Tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giữ ấm cho người dân, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, học sinh. Thực hiện hướng dẫn cho người dân cách giữ ấm và chống rét, đề phòng các biến chứng về hô hấp và tim mạch. Bảo đảm an toàn trong việc sưởi ấm tại nhà, nhất là vào ban đêm, không để gây ngộ độc khí do bếp than, củi.
Các cơ sở y tế tổ chức trực chuyên môn, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, nhất là ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa; tăng cường giữ ấm, tránh rét cho bệnh nhân tại các cơ sở y tế...
Bài, ảnh: Hạnh Chi