Trước gần 100 đại diện là Ban quản trị, xã viên các HTX nông nghiệp huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn - nơi vừa có diện tích lúa TBR 225 gieo trồng và đã cho thu hoạch ở vụ đông 2015-2016, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Thaibinhseed cho biết: Giống lúa TBR225 do Tổng Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình nghiên cứu, chọn tạo từ năm 2006. Qua quá trình chọn lọc, làm thuần, đến vụ đông xuân 2014-2015, giống lúa đã có năng suất ổn định và được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & PTNT) công nhận chính thức tháng 6-2015.
Hiện Thaibinhseed có 10 giống lúa quốc gia, có thể đáp ứng được với các vùng đất khác nhau như chịu hạn, chịu chua mặn, chịu rét...
Trong đó, giống lúa TBR225 là một giống cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, thơm và đặc biệt thích ứng rộng với mọi chất đất khác nhau.
"Với khoảng 80 ha tại xã Gia Hưng, trên chân đất hạng 4, trong điều kiện thời tiết bất thuận đã ảnh hưởng tới tiến độ gieo cấy, sinh trưởng và phát triển của cây lúa, các đợt rét đậm, rét hại liên tục xảy ra, nhưng giống lúa TBR225 vẫn phát triển tương đối tốt, thể hiện được nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống khác trong sản xuất đại trà" - đồng chí Bùi Hữu Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình nhận xét.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình, giống lúa TBR225 có tỷ lệ nảy mầm rất cao, cây phát triển khỏe, đồng đều; thời kỳ đẻ nhánh sớm, tập trung, tỷ lệ dảnh hữu hiệu cao.
Thân lá phát triển mạnh, bản lá rộng, lá đòng to có màu xanh đậm. Tính nổi trội của giống lúa TBR225 còn thể hiện ở chỗ nó có tính chống chịu sâu bệnh khá cao, bởi vậy với vụ đông xuân 2016 này suốt cả thời kỳ sinh trưởng, phát triển ruộng lúa gieo cấy giống TBR 225 chưa phải dùng thuốc BVTV...
Trên địa bàn tỉnh, giống lúa đã được bà con nông dân đưa vào thay thế một số giống lúa thuần năng suất không còn ổn định. ở vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh đã đưa vào sản xuất trên 1.100 ha giống lúa này.
Bác Đinh Đức Vĩnh (xóm 7, xã Gia Hưng, Gia Viễn) hồ hởi cho biết: "Vụ đầu tiên, tôi chỉ cấy 1 sào, nhưng sau 2 năm thì hiện tại tôi đã gieo cấy giống lúa TBR225 hết số diện tích cấy lúa của gia đình (khoảng 4 sào), vì thấy rằng giống lúa này rất dễ chăm, ít sâu bệnh. Đặc biệt, vụ này gia đình tôi không mất một đồng chi phí nào cho việc phun thuốc phòng trừ các loại sâu bệnh".
Anh Nguyễn Văn Bình, xã viên HTX Đô Lương (xã Gia Hưng) cho hay: "So sánh với các giống lúa khác mà nông dân trong xã đang cấy thì bông lúa TBR225 to và dài hơn, tỷ lệ hạt chắc đạt tới trên 90%, chi phí phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh giảm được 20%, năng suất cao có thể đạt tới 70-74 tạ/ha. Đặt biệt là giống lúa này có chất lượng gạo ngon, có mùi thơm, rất dễ bán.
Theo Giám đốc HTX nông nghiệp Đô Lương Bùi Trọng Luận, vụ đông xuân năm nay, toàn HTX có 197 ha, thì có gần 80 ha cấy giống TBR 225.
Đến nay có thể khẳng định giống lúa TBR225 có năng suất, chất lượng cao tạo được niềm tin với bà con nông dân địa phương. Giống lúa có khả năng thích nghi hơn ở vụ đông xuân, tuy nhiên vụ mùa này, các xã viên có kế hoạch gieo cấy khoảng 15 ha giống TBR225.
Nhận xét về giống lúa TBR 225, ông Trần Đình Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Ninh Bình chia sẻ: Gia Viễn là một trong những vùng đất khó nhất của tỉnh trong việc đưa giống lúa vào sản xuất, mà Gia Hưng là một trong 4 xã của huyện Gia Viễn có chất đất hạng 4, hạng 5.
Đó là những vùng có chất đất mỏng, mất nước nhanh, rất khó canh tác, nên việc chọn được giống lúa phù hợp là rất khó khăn, không phải giống nào cũng cho kết quả như mong muốn tại vùng đất này.
Qua thăm đồng, chứng kiến những cánh đồng lúa TBR225 vàng óng, trĩu hạt, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT và huyện rất mừng vì đã tìm ra được giống lúa phù hợp cho vùng đất khó khăn này.
Vụ đông xuân 2016, huyện Gia Viễn đã gặp nhiều khó khăn: ngay giữa đại hàn, rét đậm, rét hại, chịu úng lụt và cuối vụ thì có lũ tiểu mãn, nhiều giống lúa đã không vượt qua được, nhưng giống TBR 225 vẫn cho năng suất cao, đó là một điều lý tưởng.
Minh đường