Rất nhiều công trình kiến trúc, di tích có dấu tay của những người thợ Ninh Vân. Bằng bàn tay tài hoa, họ đã biến những khối đá vô tri, vô giác thành những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Ngày hôm nay, để nghề đá ngày càng phát triển, không bị mai một, những thế hệ sau tiếp nối nghề truyền thống ông cha để lại, bằng bộ óc thông thái, bàn tay điêu nghệ cùng với máy móc hiện đại, tinh xảo đã làm nên nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, trong đó phải kể đến 500 pho tượng La Hán bằng đá cao tới hơn 2 m, được đặt tại chùa Bái Đính. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều tác phẩm đá mỹ nghệ Ninh Vân còn vươn xa có mặt ở những nơi hải đảo, đến với các Quốc gia như: Lào, Campuchia, Pháp...
Cụ Nguyễn Văn Tỵ, một trong những nghệ nhân cao tuổi của làng nghề tâm sự: Trước đây, do khó khăn tôi và nhiều người đã phải đi làm ăn xa, nay tỉnh có chính sách khuyến khích phát triển làng nghề, tôi và gia đình đã trở về, làm thợ đá mà tay không cầm đục, cầm búa thì khó chịu lắm.
Ông Lương Văn Quang, Chủ tịch Hội làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân cho biết: Hiện nay, Ninh Vân có 12/13 thôn, trên 35 doanh nghiện tư nhân, và 453 hộ chuyên chế tác đá mỹ nghệ (hiện đã có gần 20 doanh nghiệp và trên 50 hộ đã di chuyển vào làng nghề), với hơn một nghìn lao động chuyên sâu về sản xuất, chế tác đá, có thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng đã góp phần đưa doanh thu của xã hàng năm lên cao và làm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của xã theo hướng công nghiệp hóa. Nghề chế tác đá mỹ nghệ phát triển kéo theo sự phát triển của các ngành nghề khác: vận tải, cơ khí nhỏ, điện, nước và các dịch vụ khác. Hiện toàn xã có trên 200 phương tiện vận tải, 10 cụm sản xuất cơ khí, 1 trạm cấp nước có công suất 40 m3/h.
Chế tác tác phẩm từ đá. Ảnh: Trần Đức.
Để góp phần gìn giữ và phát triển nghề chế tác đá bền vững, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Hội làng nghề trong việc liên kết với Trường đào tạo thủ công mỹ nghệ (Bộ Xây dựng) mở lớp dạy nghề thu hút được hàng trăm người tham gia, sau khi ra trường các học viên được cấp bằng nghề bậc 3/7, qua đó các học viên đã có điều kiện được đào tạo phát triển cả về kiến thức lẫn kinh nghiệm, sự khéo léo...
Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề hiện còn gặp không ít khó khăn: chưa có khu tập trung sơ chế đá, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động mang tính tự phát, chưa có kế hoạch phát triển lâu dài, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn bị hạn chế. Đến nay, làng nghề vẫn chưa ai được phong tặng danh hiệu "nghệ nhân" chưa kịp thời động viên những người có tay nghề, kỹ thuật cao...
Để nghề đá Ninh Vân được vang xa hơn nữa, các doanh nghiệp phải thực hiện tốt việc tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, không ngừng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao tay nghề, khả năng sáng tạo, khéo léo của công nhân, giữ gìn vệ sinh môi trường, đồng thời không ngừng đổi mới, khai thác tốt nguồn hàng, cải tiến mẫu mã, đa dạng loại hình sản phẩm phục vụ khách hàng trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: Đức Lam