Chúng tôi về thăm gia đình ông Đỗ Kim Tấn ở xóm 2, xã Kim Chính. Gia đình ông Tấn là một trong những hộ làm nghề dệt chiếu lâu năm và bây giờ cũng đang phát triển nghề với quy mô lớn. Vừa nhanh tay phụ giúp lao động phơi chiếu, lão nông Đỗ Kim Tấn vừa tâm sự: Nghề dệt chiếu ở Kim Chính có từ hàng trăm năm nay, trở thành nghề truyền thống, gắn bó và mang lại ấm no cho nhiều thế hệ người dân Kim Chính. Cũng như nhiều hộ dân khác, gia đình tôi đã "dựa" vào nghề mà sống, mà phát triển kinh tế. Tôi biết làm nghề từ khi còn rất nhỏ. Nhìn gia đình mình làm rồi những hình ảnh, những công đoạn, những kỹ thuật ấy tự "ngấm" vào mình lúc nào không hay. Rồi lớn lên, lấy vợ sinh con, tôi cũng vẫn duy trì nghề. Nghề làm chiếu cói không những có giá trị văn hóa mà còn rất có ý nghĩa với người dân Kim Chính. Cây cói là nghề phụ, nhưng lại mang đến nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây. Nếu Kim Chính không có nghề phụ này, thì cuộc sống của bà con sẽ rất vất vả. Hiện nay, gia đình ông Tấn đã thành lập được cơ sở dệt chiếu cói, bình quân mỗi tháng dệt được 500 lá chiếu, tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động với mức lương ổn định từ 3 triệu đồng/tháng trở lên. Bà Phạm Thị Tho cũng là một tay dệt chiếu có tiếng ở Kim Chính. Bà Tho bảo, mặc dù là nghề truyền thống, dệt theo lối thủ công song dệt chiếu lại là cả một quá trình lao động, đòi hỏi sự sáng tạo bền bỉ của người làm nghề. Sự công phu của nghề dệt chiếu thể hiện ở ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu cói, rồi phơi cói, nhuộm cói sao cho màu đỏ tươi và giữ được màu lâu. Trong quá trình dệt chiếu, có lẽ công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao nhất, thể hiện tay nghề của người thợ rõ nét nhất là là khâu dệt cải hoa của chiếu. Bởi lẽ, những màu sắc được nhuộm sẵn trên cói, đòi hỏi người thợ dệt phải nắm bắt kiểu mẫu, đường dệt tinh xảo, từng động tác phải được kết hợp hài hòa giữa những người thợ dệt để không đan lỗi… Nhìn chung, người dệt phải để tâm hồn mình vào từng công đoạn, như vậy mới tạo được sự khác biệt với sản phẩm ở các vùng, miền khác. Bởi vậy mà hiện nay, mặc dù trên thị trường có nhiều loại chiếu được làm từ những nguyên liệu khác trông khá đẹp và tiện lợi, nhưng nhiều người vẫn chọn mua chiếu cói Kim Chính và tìm đến tận làng nghề để đặt hàng vì chiếu cói ở đây chất lượng tốt, mẫu mã đẹp lại phù hợp với yếu tố truyền thống. Trong quá trình dệt, tùy theo hình dáng hoa văn, người thợ sẽ điều khiển mắc cửi đơn hoặc kép để đan hoa văn cho phù hợp. Bàn tay phải khéo léo điều khiển sợi đay lúc nâng lên, lúc hạ xuống để tạo ra các hình dáng hoa văn thật ăn khớp với nhau. Trước đây, người dân Kim Chính chỉ biết sản xuất một loại chiếu trắng duy nhất từ nguyên liệu cói nguyên chất, hiện nay đã sản xuất mẫu chiếu hoa, chiếu cưới… đầy màu sắc rực rỡ với những đường nét hoa văn đẹp mắt… Vất vả đấy, công phu đấy, song nghề dệt chiếu cũng mang lại cho bà con nguồn thu nhập ổn định trên 35 triệu đồng/năm. Với người dân thuần nông thì đây là nguồn thu nhập rất ý nghĩa, giúp cải thiện đáng kể cuộc sống của họ.
Để góp phần gìn giữ và phát triển nghề dệt chiếu, những năm qua, xã Kim Chính đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp như: Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để các hộ làm nghề dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; tạo điều kiện về mặt bằng để các cơ sở sản xuất xây dựng nhà xưởng, kho chứa nguyên liệu, tập kết sản phẩm; chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp dạy nghề, truyền nghề, tập huấn kỹ thuật cho lao động trong làng nghề… nhờ đó, nghề dệt chiếu ở Kim Chính không những được bảo tồn mà còn có những bước phát triển mới. Hiện nay, ở Kim Chính vẫn còn trên 100 hộ làm nghề dệt chiếu.
Mặc dù vẫn là nơi cung cấp chiếu ra thị trường nhiều nhất, song làng nghề chiếu Kim Chính vẫn còn có những trăn trở. Ông Đỗ Kim Tấn chia sẻ, hiện nay, đầu ra cho chiếu cói vẫn còn tiêu thụ nhỏ lẻ. Bà con làm nghề dệt chiếu chủ yếu tự sản xuất manh mún theo từng hộ gia đình và tự tiêu thụ mà chưa có sự liên kết tìm kiếm thị trường. Nhiều hộ phải chờ khách đến đặt thì mới bắt tay vào dệt… từ thực tế đó, chúng tôi mong muốn được các cấp, các ngành liên quan hỗ trợ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của làng nghề. Xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm của làng nghề đến với đông đảo người tiêu dùng trong cả nước. Có như vậy, làng nghề mới có thể phát triển bền vững, sản phẩm chiếu cói Kim Chính mới có chỗ đứng vững vàng trên thị trường.
Nguyễn Hùng