Phóng viên (PV): Ông có thể chia sẻ một số nét văn hóa truyền thống trong lễ cưới của đồng bào Mường?
Ông Bùi Văn Thái: Thời nào cũng vậy, đối với đồng bào dân tộc Mường, lễ cưới hỏi là một việc rất hệ trọng của mỗi gia đình. Lễ cưới của đồng bào cũng có rất nhiều thủ tục. Thời xưa, trai gái nên duyên không phải lúc nào cũng vì tình yêu. Cô dâu, chủ rể chỉ cần ưng mắt hai bên gia đình là được, mặc cho khi ấy các "tân nương", "tân lang" mới chỉ bước vào cái tuổi 13-14 tuổi. Khi đã tìm được "ý trung nhân" cho con, nhà trai tìm một bà mối. Việc tìm được một bà mối không đơn giản, đó thường là người có họ gần bên nhà gái và nhất thiết phải là người có gia đình hạnh phúc, biết ăn nói giỏi, có sức thuyết phục cũng như có uy tín trong vùng. Sau khi tìm được bà mối thì tất cả mọi thỏa thuận, giao dịch giữa nhà gái và nhà trai đều thông qua và dựa vào bà mối.
Khi được bà mối báo tin nhà gái đã đồng ý thì nhà trai tìm một ngày tốt, đưa đoàn nhà trai chừng 3-5 người đội mâm lễ gồm trầu, rượu, kẹo bánh, đôi gà… sang nhà gái gọi là lễ ăn hỏi. Người Mường còn có tục thách cưới. Sau lễ ăn hỏi, đoàn nhà trai bao gồm cả bên nội và bên ngoại sẽ sang nhà gái để đi thách cưới. Sau khi cùng ăn bữa cỗ do gia đình nhà gái tổ chức, đại diện nhà gái sẽ thách cưới. Tùy vào điều kiện của từng nhà, song thường thì theo tục, những thứ được thách cưới bao gồm lợn, gạo, rượu, trầu cau, tiền mặt, chăn màn…
Lễ cưới của đồng bào Mường độc đáo lắm. Trong ngày cưới, cô dâu, chú rể mặc trang phục truyền thống. Bà con trong thôn, bản hân hoan đến chúc mừng. Gia đình nhà trai làm cỗ mời làng từ vài ngày trước. Nhà sàn lúc nào cũng thơm mùi thịt rượu. Trong đám đưa, rước dâu, cả một đoạn đường vang rền tiếng Cồng, tiếng Chiêng. Nhà trai thì sử dụng Cồng do người làm trưởng đoàn gõ. Khi đoàn đón dâu đến cổng, đại diện nhà gái cũng gõ lại tiếng Chiêng để đáp lễ và có ý nghĩa mời đoàn nhà trai vào. Trên đường đón dâu về, nhà trai bố trí một số nam thanh, nữ tú đón và đùa với khách với ý nghĩa là để gắn kết 2 bên gia đình. Sau lễ trao dâu, những họ nhà gái ở xa đều ở lại nhà trai đến ngày hôm sau mới về. Nhà trai lại dọn cỗ mời nhà gái thêm một bữa nữa. Buổi tối hôm đó, hai bên họ hàng tổ chức hát giao duyên, hát đúm và uống rượu cần. Từ những câu hát giao duyên ấy, nhiều đôi trai gái lại nên duyên.
PV: Có nhiều nét văn hóa cần gìn giữ, song cũng phải thấy, các đám cưới của đồng bào Mường thường phải trải qua một quy trình rất phức tạp, tốn kém nhiều thời gian, công sức và tiền của?
Ông Bùi Văn Thái: Đúng vậy, đám cưới của đồng bào Mường có tính gắn kết cộng đồng rất cao. Những gia chủ tổ chức hôn lễ không nặng nhẹ vấn đề kinh tế, mà chỉ cố gắng tổ chức cho lễ cưới thật vui, thật đông đủ, như vậy họ coi đó là phúc. Các lễ lạt cho một đám cưới rất nhiều thủ tục: ngày dạm ngõ, ngày thách cưới, ngày đưa trầu, ngày xin cưới… và sau mỗi lễ ấy, gia chủ lại phải làm cỗ đến vài chục mâm để thết đãi làng. Vậy nên để xong một đám cưới thường phải mất từ 1 đến 2 tuần. Tổ chức đám cưới rình rang gây lãng phí về thời gian, công sức và tiền của. Để có điều kiện tổ chức đám cưới cho con, có nhà phải đi vay tiền hoặc vay lợn. Bởi đã là tâp tục thì dù gia đình khá giả hay gia đình còn khó khăn cũng phải tổ chức như nhau.Nhiều cặp vợ chồng mới chỉ bước vào độ tuổi trăng tròn, chỉ vài ngày sau lễ cưới, các cô dâu, chú rể đã phải lên nương, lên rẫy làm việc cật lực để lấy tiền trả nợ. Bởi vậy mà với nhiều hộ gia đình thì bên cạnh niềm vui, hạnh phúc khi được tổ chức lễ cưới hỏi cho con lại là nỗi lo lắng khó chia sẻ cùng ai. Bên cạnh đó, ở đồng bào Mường xưa, tục tảo hôn, ép duyên vẫn còn nhiều. Trai gái nên duyên vợ chồng nhờ tình yêu thì hiếm lắm. Chủ yếu là do bố mẹ hai bên thấy "hợp" là tác thành khi tuổi đời của các đôi uyên ương còn rất trẻ. Đó còn chưa kể, trong đám cưới còn dùng rất nhiều thuốc lá, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế, môi trường.
PV: Vậy làm thế nào để đồng bào Mường ở Quảng Lạc vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống, song loại bỏ được những hủ tục lạc hậu trong lễ cưới hỏi?
Ông Bùi Văn Thái: Việc gìn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống, đi đôi với việc loại trừ những hủ tục lạc hậu trong lễ cưới hỏi là một bài toán rất khó. Trên thực tế, có nhiều nét văn hóa cần gìn giữ như hát đúm, giao duyên, mặc trang phục truyền thống… thì bị mai một, thậm chí bị mất đi. Trong khi đó lại nảy sinh nhiều những thủ tục rườm rà, lãng phí trong đám cưới. Xác định rõ tầm quan trọng trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, địa phương đã bám sát Chỉ thị số 27-CT/TW "Về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội" (gọi tắt là Chỉ thị 27), và coi đây là cuốn "cẩm nang" bổ ích sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Lạc trong việc xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Theo đó, MTTQ xã cùng các tổ chức thành viên đã chủ động xây dựng chương trình, nội dung để thường xuyên tuyên truyền Chỉ thị 27 trên hệ thống thông tin đại chúng, hệ thống cổ động trực quan. Đặc biệt, những nội dung của Chỉ thị được chuyển hóa thành các tiết mục văn hóa văn nghệ, biểu diễn trong các chương trình, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng ở địa phương đã tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận, hiểu sâu sắc hơn việc tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội một cách lành mạnh, tiến bộ, phù hợp với các quy định của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, để phát huy tính gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chính quyền xã đã gắn việc thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và Chỉ thị 27 với Chỉ thị 03 "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đồng thời, Ban chỉ đạo xây dựng nếp sống văn hóa ở mỗi thôn, bản sẽ lồng ghép nội dung của Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa. Quy định cụ thể việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội để làm căn cứ đánh giá, công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá thi đua, khen thưởng các cá nhân, tập thể hàng năm.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân trong xã đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong việc cưới ở địa phương. Quảng Lạc đã loại bỏ một số hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu rườm rà, đã rút ngắn thời gian việc cưới xuống chỉ còn từ 1 đến 1,5 ngày. Nghi thức cưới theo phong tục cổ truyền chỉ còn rút lại từ 2 đến 3 bước là: dạm ngõ, ăn hỏi và cưới. Đặc biệt, về độ tuổi kết hôn đều thực hiện nghiêm chỉnh luật hôn nhân và gia đình: nam từ 20 tuổi trở lên và nữ từ 18 tuổi trở lên. ở nhiều thôn, bản, các đoàn thể đã phát huy vai trò của mình trong việc thực hiện nếp sống văn minh như không có thuốc lá trong đám cưới đã giúp cho nhiều gia đình tiết kiệm được những khoản chi phí không cần thiết. Một sự chuyển biến tích cực nữa, đó chính là các bậc phụ huynh đã quan tâm nhiều hơn đến hạnh phúc lứa đôi của con trẻ, bằng cách tạo điều kiện cho các con tự do tìm hiểu, kết hôn trên cơ sở tình yêu.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nguyễn Hùng (thực hiện)