Ông Trần Xuân Quyết, người đã có hàng chục năm làm Bí thư chi bộ thôn Trung Đồng cho biết: Những năm trở lại đây, giáo dân trong Giáo xứ Trung Đồng chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh khá chu tất. Cách đây hơn 1 tuần, mọi gia đình giáo dân đã lo dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm phong quang sạch đẹp. Đến nay, các gia đình đã hoàn tất việc giăng đèn, trang trí hang đá, cây thông cho gia đình mình… Ai cũng mong muốn được đón một mùa giáng sinh an lành. Ông Bí thư chi bộ đưa chúng tôi đi thăm không khí chuẩn bị mừng Lễ Giáng sinh của giáo dân nơi đây. Con đường về các thôn được rải nhựa phẳng lỳ. Những ngôi nhà cao tầng ẩn hiện sau những vườn cây trái xum suê. Và dường như ở trước cửa nhà ai cũng có một hang đá thật đẹp, được điểm tô khéo léo, cây thông được khoác lên mình bộ áo long lanh của ánh điện nhấp nháy đủ màu sắc… Ai cũng cảm thấy Lễ Giáng sinh đang về thật gần, thật ấm áp.
Ông Bí thư chi bộ thôn nói rằng, ông đã sống gần trọn cuộc đời ở xứ Trung Đồng này và ông đã chứng kiến bao sự đổi thay của vùng quê nơi đây. Sự no ấm, đủ đầy mà bà con giáo dân Trung Đồng có được như ngày hôm nay là một sự "bứt phá" mạnh mẽ nhất mà ông từng thấy. Bởi trong ký ức của ông, xứ Trung Đồng xưa nghèo lắm. Cả xứ có 515 hộ với hơn 3.000 khẩu nhưng lại chỉ có 30 mẫu ruộng để canh tác. Trong khi đó, gần nửa diện tích này lại nằm ở khu vực ngoài đê, nên năng suất "được", "mất" phụ thuộc cả vào ông trời. Nhiều năm người dân cấy lúa bị mất trắng do thiên tai. Ruộng ít, người dân chỉ biết bám vào sông nước để kiếm sống. Nhà nào cũng có chiếc thuyền nan, nhà khá hơn thì "tậu" được chiếc thuyền xi măng để đánh bắt cá, đổi lấy gạo ăn. Đã thế, bà con giáo dân lại sinh nhiều con, vì thế, cái nghèo, cái đói cứ đeo đẳng.
"Thế rồi, những năm gần đây, nhờ có chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác giảm nghèo, người dân nơi đây đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế và được tư vấn cách sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Vốn có nhiều kinh nghiệm trong nghề vận tải thủy, do đó đây được xác định là công cụ giảm nghèo hữu hiệu nhất cho bà con trong xứ. Quả thực, sau một thời gian hoạt động, nhiều gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ nghề vận tải thủy này"- Ông Trần Xuân Quyết nói.
Rồi ông Bí thư chi bộ thôn dẫn chúng tôi đến thăm gia đình anh Trần Văn Hậu. Anh Hậu mới trở về sau chuyến đi Quảng Ninh dài ngày. Anh Hậu tâm sự: "Gia đình tôi có 6 khẩu, nhưng chỉ có 3 sào ruộng cấy một vụ không ăn chắc. Vậy nên cái nghèo cứ bám riết. Thế rồi tôi may mắn được vay tiền của Ngân hàng Chính sách xã hội mua một chiếc thuyền nan nho nhỏ để đánh bắt thủy sản. Mỗi ngày, tôi cũng thu được vài chục nghìn, có ngày được cả trăm nghìn. "Tích tiểu thành đại", cuộc sống của gia đình tôi cũng dần được cải thiện". Vài năm sau, không những anh Hậu trả hết nợ ngân hàng, mà còn có chút vốn nho nhỏ. Vay thêm vốn, anh Hậu mua chiếc thuyền xi măng gắn máy trọng tải 90 tấn chuyên chở vật liệu xây dựng phục vụ các công trình xây dựng cầu đường và các chủ lò sản xuất vôi, gạch. Qua hạch toán kinh doanh thấy có lãi, hơn nữa nhận thấy phương tiện nhỏ mang lại hiệu quả thấp, lại không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nên anh Hậu đã nhiều lần nâng cấp phương tiện lên trọng tải lớn hơn. Đến nay, anh đang đặt đóng con tàu trọng tải 800 tấn để vận chuyển hàng hóa những tuyến xa hơn. Vậy là, giờ đây anh Hậu đã là một tỷ phú. Hiện, ở xứ Trung Đồng có 75 tàu sắt tải trọng trên 1.000 tấn, giải quyết việc làm cho trên 300 lao động địa phương. Mỗi năm, doanh thu từ nghề vận tải thủy đạt gần 30 tỷ đồng…
Những gia đình không làm vận tải lại năng động tìm hướng thoát nghèo khác. Theo chân ông Bí thư chi bộ, chúng tôi đến thăm gia đình giáo dân Trần Văn Mỹ khi anh đang cố gắng hoàn thành đơn hàng của một khách quen để chuẩn bị nghỉ lễ Noel. Trước đây, gia đình anh Mỹ là hộ còn nhiều khó khăn của xứ Trung Đồng. Được sự động viên gia đình, hỗ trợ của địa phương, anh Mỹ đi học nghề mộc dân dụng. Khéo tay, chăm chỉ lại ham học hỏi nên chỉ sau một vài năm theo học nghề, anh Mỹ đã mở được một xưởng mộc có uy tín tại gia đình. Hàng mộc của xưởng anh chủ yếu là giường, tủ, bàn ghế… làm đến đâu được khách đặt mua tới đó. Công việc thuận lợi, mỗi năm gia đình anh có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Anh Mỹ cho biết: Không chỉ riêng gia đình tôi, năm nay, đồng bào công giáo có cuộc sống khấm khá hơn trước. Kinh tế được cải thiện nên gia đình tôi và các giáo dân tổ chức Lễ Giáng sinh tươm tất hơn so với mọi năm với hy vọng được ban phước lành trong năm tiếp theo.
Giáo xứ Trung Đồng hiện có 5 giáo họ lẻ, với gần 3.000 giáo dân. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xứ giảm xuống còn 6,5% (theo tiêu chí giai đoạn 2011-2015), số hộ khá, giàu đạt trên 70%. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, những năm qua, bà con giáo dân trên địa bàn còn tích cực tham gia, hưởng ứng nhiều phong trào được phát động tại địa phương như phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, hoạt động xã hội hóa giáo dục, xã hội hóa công tác y tế… Điển hình như công tác vận động con em đến trường, tham gia đóng góp các quỹ giáo dục như quỹ tài năng, quỹ khuyến học, giúp đỡ gia đình học sinh nghèo hiếu học, gia đình chính sách… Hàng năm, giáo xứ tổ chức các buổi lễ tuyên dương, ghi nhận thành tích học tập và trao học bổng, phát thưởng động viên học sinh đạt kết quả tốt. Đây chính là động lực để sự học của con em địa phương phát triển. Thôn không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Năm học vừa qua, toàn giáo xứ có hơn 10 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.
Chánh trương giáo xứ Trung Đồng Trần Hồng Bao cho biết, phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt bổn phận người con của Thiên chúa, đồng thời tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Nguyễn Hùng