Ở các nước có mức thu nhập thấp và trung bình thì có từ 33-69% lái xe bị thương tích gây tử vong, 8 - 29% lái xe bị các chấn thương không tử vong có sử dụng rượu, bia trước khi xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông là tình trạng phổ biến và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây TNGT đường bộ ở Việt Nam. Năm 2010 ở Việt Nam sản xuất và tiêu thụ 2,7 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu (khoảng 24 lít/đầu người/năm, bằng 1/10 châu Âu); năm 2013 sản lượng bia toàn ngành đạt 2,9 tỷ lít, tăng gần 2,5%; sản lượng tiêu thụ trên 3 tỷ lít, tăng gần 12%. Với mức tăng trưởng 15%/năm, Việt Nam trở thành nước thứ 3 có sản lượng tiêu thụ bia cao ở Châu á, sau Nhật và Trung Quốc.
Tại Việt Nam mức độ sử dụng rượu, bia trung bình khá cao: 5,1 đơn vị rượu, bia/lần uống; 6,4 đơn vị rượu/ngày; 26,1 đơn vị rượu/tuần, vượt xa ngưỡng khuyến cáo của WHO (nam không quá 3 đơn vị, nữ không quá 2 đơn vị/ngày). Cũng theo WTO, có tới 77,9% nam giới điều khiển phương tiện ngay sau khi uống rượu, bia... Tình trạng lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh ta nói riêng rất phổ biến và gây ra rất nhiều vụ TNGT đau lòng…
Tuy chế tài, các quy định xử phạt người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ có sử dụng rượu, bia đã có và được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng tình trạng lạm dụng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông vẫn khá phổ biến. Tình trạng trên là do ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn trong máu, trong khí thở khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ còn bị coi nhẹ; mặt khác việc cưỡng chế vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ của các cơ quan chức năng không thật sự thường xuyên và thiếu quyết liệt. Để giảm thiểu TNGT do nguyên nhân lạm dụng rượu, bia, các cấp, các ngành, các địa phương cần thực hiện tốt Nghị quyết 88 ngày 24-8-2011 của Chính phủ về thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT, trong đó biện pháp phòng, chống, kiểm soát lái xe sử dụng rượu, bia được đặc biệt coi trọng.
Trong những năm qua, Ninh Bình được thụ hưởng Dự án An toàn giao thông đường bộ (RS10-VN) do Quỹ Bloomberg tài trợ. Thực hiện Dự án này, nhiều cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền của các sở, ngành đã được tập huấn kỹ năng tuyên truyền phòng, chống rượu, bia và lái xe. Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh được hỗ trợ trang thiết bị và tập huấn công tác cưỡng chế vi phạm nồng độ cồn.
Cũng từ việc triển khai thực hiện Dự án trên, Ban An toàn giao thông tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tuyên truyền mạnh mẽ và thường xuyên tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và trật tự an toàn xã hội; nguy cơ gây tai nạn do lái xe uống rượu, bia; hậu quả của TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia; các quy định của pháp luật về xử phạt đối với người điều khiển phương tiện cơ giới uống rượu, bia. Ban An toàn giao thông tỉnh còn chỉ đạo cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, nhân viên các cơ quan, đơn vị gương mẫu không uống rượu, bia trước khi lái xe.
Các cơ quan, đơn vị ban hành các quy định về không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa, có biện pháp xử lý nghiêm người vi phạm. Mặt khác, có quy định rõ về việc quảng cáo rượu, bia trên các phương tiện thông tin đại chúng; yêu cầu khi quảng cáo rượu, bia phải gắn kèm nội dung cảnh báo tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và nguy cơ xảy ra tai nạn nếu điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Các cơ sở dịch vụ ăn uống tại các bến xe, trạm dừng nghỉ có quy định không bán rượu bia cho lái xe. Lực lượng chức năng tham gia bảo đảm trật tự ATG, có sự hỗ trợ của dự án huy động lực lượng, tăng cường trang, thiết bị và kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ có sử dụng rượu, bia.
Trần Mạnh Dũng