Đến khi xong, bà con trong xóm thấy gia đình bà Kéo làm cổng nối liền với bức tường xây tạm đó và rào lại cùng khuôn viên thổ cư cũ của mình thì yêu cầu gia đình bà Kéo trả lại đi lối cho bà con trong xóm (lối đi có từ xưa. Năm 2002, thực hiện phong trào "bê tông hóa", bà con trong xóm đã góp của, góp công đổ trạt đoạn đường đó) nhưng gia đình bà Hà Thị Kéo vẫn không trả lại.
Ngày 23/7/2006, ông Nguyễn Văn Hưởng - thay mặt bà con gần nơi ở của gia đình bà Kéo đã có đơn gửi đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Ninh Bình đề nghị được giúp đỡ. Nội dung đơn đã phản ánh: "... Sau nhiều lần giải quyết của xóm, của thôn không thành, vì nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân trong xóm, ông đã có đơn gửi đến UBND xã Gia Trung từ tháng 2/2006 và được địa phương xem xét thận trọng sự việc, đã làm việc nhiều lần để thuyết phục gia đình bà Kéo dỡ bỏ bức tường trên để trả lại lối đi cho xóm. Tiếp đó, từ tháng 5 đến tháng 7/2006, UBND xã Gia Trung đã có tới 3 thông báo với nội dung xác định đường tiểu ngõ xóm có từ trước và yêu cầu gia đình bà Kéo phải tự tháo dỡ bức tường xây đó để trả lại cho xóm, nhưng gia đình bà Kéo không chấp hành (được biết, trong thời gian đó, Chủ tịch UBND huyện đã làm việc với UBND xã, xuống thực địa và cho ý kiến "Nếu tổ chức cưỡng chế, phải xin ý kiến của UBND huyện". Vì thế UBND xã Gia Trung đã có đề xuất cưỡng chế việc tháo dỡ bức tường đó, nhưng không nhận được chỉ đạo nào của UBND huyện Gia Viễn trong mấy tháng đó?). Không để sự việc kéo dài, ông Hưởng liên tục có đơn, thậm chí ủy quyền cho con cháu mình lên UBND huyện xin gặp Chủ tịch UBND huyện, nhưng không được tiếp mà chỉ trả lời chung chung của cán bộ văn phòng là chưa cưỡng chế được, để xem đã...". Sau khi cử cán bộ về địa phương thu thập tư liệu và thẩm định, ngày 27/7/2006, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Ninh Bình đã có Công văn số 63/CV-TT gửi ông Nguyễn Văn Hưởng đã xác định: "Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và Bộ luật Dân sự năm 2005 thì giải quyết tranh chấp trên thuộc UBND xã Gia Trung. Việc UBND huyện Gia Viễn kiểm tra sự việc tại cơ sở thể hiện sự thận trọng trong công tác chỉ đạo tại địa phương và đúng thủ tục giải quyết khiếu nại của công dân, do đó đề nghị ông và các gia đình trong xóm nên tiếp tục đề nghị UBND xã Gia Trung để có biện pháp tích cực hơn".
Trên cơ sở đơn đề nghị của ông Nguyễn Văn Hưởng, ngày 9/10/2006, UBND xã Gia Trung đã có thông báo gửi ông Hưởng với nội dung cho biết: "UBND xã đã hoàn tất hồ sơ để giải quyết, song hiện còn chờ ý kiến của UBND huyện, đề nghị ông giữ nguyên hiện trạng để UBND xã và UBND huyện phối hợp giải quyết". Đến ngày 16/10/2006, UBND huyện Gia Viễn có Công văn số 252/UBND-VP có nêu rõ: "UBND huyện đã giao cho các cơ quan chức năng của huyện và UBND xã Gia Trung kiểm tra làm rõ. Khi có kết luận của cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND huyện sẽ có quyết định cụ thể. Nếu ông Hưởng và các hộ gia đình tự ý tháo dỡ bức tường, làm phức tạp vấn đề thì phải chịu trách nhiệm, yêu cầu Chủ tịch UBND xã Gia Trung phải chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND huyện.
Ngày 18/10/2006, UBND xã Gia Trung lại có văn bản số 78/UBND gửi ông Hưởng có đoạn nêu: "Hiện nay, các cơ quan chức năng và UBND xã Gia Trung đang xem xét, báo cáo để Chủ tịch UBND huyện có quyết định cụ thể. Yêu cầu ông Hưởng chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Gia Viễn tại Công văn số 252". Phải đến hơn 2 tháng, ngày 26/12/2006, UBND huyện lại có Công văn số 79 gửi ông Hưởng với nội dung thông báo là "Đã nhận được đơn của công dân, sau khi xem xét nội dung trình bày, UBND huyện đã chuyển đơn đến Phòng Tài nguyên - môi trường huyện để xem xét, đề nghị ông Hưởng liên hệ với cơ quan trên để biết kết quả". Ngày 29/12/2006, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện lại có giấy báo số 33/TNMT gửi ông Hưởng cũng nội dung chuyển đơn tương tự là "Sau khi xem xét nội dung đơn đề nghị của ông do UBND huyện chuyển đến, đề nghị ông liên hệ với UBND xã Gia Trung là cơ quan có thẩm quyền giải quyết ban đầu...".
Được sự chỉ đạo "từ xa" đó, ngày 26/1/2007, UBND xã Gia Trung đã ra Quyết định số 04/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Hà Thị Kéo, Quyết định ghi rõ: "... Bác đơn khiếu nại của bà Hà Thị Kéo vì nội dung nêu trong đơn là không có cơ sở pháp lý - Điều 1; yêu cầu hộ bà Hà Thị Kéo tự tháo dỡ tường ngăn và cánh cổng chắn ngang lối đi vào xóm ông Hưởng, trả lại hiện trạng đường tiểu ngõ, để ổn định đời sống sinh hoạt và đi lại của công dân trong xóm, thời hạn tự tháo dỡ là 5 ngày tính từ ngày 30/1/2007, hết thời hạn trên, bà Kéo không tự tháo dỡ, UBND xã sẽ thực hiện Quyết định này - Điều 2...". Hết thời hạn trên, ngày 8/2/2007, UBND xã gửi công văn số 09 cho ông Hưởng có đoạn "Qua kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 04/QĐ-UBND, hộ bà Kéo không những không thực hiện mà còn tiếp tục gửi đơn lên UBND huyện đề nghị giải quyết. UBND xã đề nghị các gia đình trong thôn tạm thời khắc phục những khó khăn trước mắt, giữ nguyên hiện trạng đường tiểu ngõ như hiện nay, chờ quan điểm giải quyết của UBND huyện Gia Viễn...".
Điều 140 - Luật Đất đai năm 2003 đã quy định "Người nào lấn, chiếm đất đai... thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật... ". Điều 143 của đạo luật này cũng ghi rõ "Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai ở địa phương. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc... xây dựng các công trình lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm". Thiết nghĩ, sự việc tranh chấp trên cần sớm được xử lý bằng việc cưỡng chế để tháo dỡ, để tránh được sự nghi kỵ hiểu lầm về sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền và tạo thuận lợi cho việc đoàn kết của các hộ gia đình trong khu dân cư.
Nguyễn Hữu Hoàng (Trung tâm TGPL Nhà nước)
Một số vấn đề cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý
(Tiếp theo)
Hoạt động tham gia tố tụng (Điều 31)
1. Khi người được trợ giúp pháp lý yêu cầu cử người tham gia tố tụng quy định tại Điều 29 của Luật này, trong thời hạn không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước hoặc tổ chức hành nghề luật sự có trách nhiệm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng.
Việc cử người tham gia tố tụng phải được lập thành văn bản và gửi cho người được trợ giúp pháp lý, cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan.
2. Cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự hoặc giấy chứng nhận người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận tham gia tố tụng) cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư trong thời hạn không quá ba ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước cử người tham gia tố tụng, trừ trường hợp pháp luật tố tụng có quy định khác.
Việc cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho luật sư tham gia trợ giúp pháp lý do tổ chức hành nghề luật sư cử hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật về luật sư.
3. Giấy chứng nhận tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý, luật sư có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, trừ trường hợp bị thu hồi hoặc trợ giúp viên pháp lý, luật sư bị thay đổi, không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
4. Khi tham gia tố tụng, trợ giúp viên pháp lý, luật sư xuất trình giấy chứng nhận tham gia tố tụng, thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc thẻ luật sư; có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tố tụng; được sử dụng các biện pháp mà pháp luật tố tụng quy định để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại đối với các hành vi sau đây của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình:
a- Từ chối thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý.
b- Không thực hiện trợ giúp pháp lý.
c- Thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước có trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với hành vi quy định tại khoản này trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, người khiếu nại có quyền khiếu nại lên Giám đốc Sở Tư pháp. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại.
2. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về việc cấp, thay đổi, thu hồi Giấy đăng ký thực hiện trợ giúp pháp lý, cấp, thu hồi thẻ công tác viên, quyết định xử lý kỷ luật, quyết định xử phạt hành chính và các quyết định hành chính, hành vi hành chính khác trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý.
Việc giải quyết khiếu nại về trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
3- Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về hành vi vi phạm các quy định của Luật này. Việc tố cáo và giải quyết tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Cao Chiếm