Mặc dù là khu vực có nguồn lao động dồi dào, nhưng các vùng nông thôn trong tỉnh vẫn còn tình trạng người lao động phải "ly hương" để kiếm kế mưu sinh. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, nhà xưởng triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nông thôn, mở ra cơ hội cho nhiều lao động ở địa phương: có nghề, việc làm và có thu nhập ổn định mà không phải xa quê…
Quê ở tận Thừa Thiên - Huế, nhưng đã hai năm nay Nguyễn Thị Linh lại lập nghiệp tại Ninh Bình vì sau khi lập gia đình, cô theo chồng về Khánh Thủy (Yên Khánh) sinh sống. Có nghề máy may nên sau khi cưới, cả hai vợ chồng đã đi tuyển dụng mấy nơi nhưng chưa ưng ý. Chỗ thì quá xa nhà, việc thuê nhà, chi phí ăn uống hàng tháng tốn kém nên khó để dành tiền. Nơi lại có mức lương thấp… Sau khi bàn đi tính lại, cả hai vợ chồng Linh tính tìm một cơ sở gần nhà, nếu lương thấp cũng chấp nhận vì đỡ phải đi lại, gần nhà nên có thể giảm chi phí sinh hoạt hàng tháng. Sau khi tìm hiểu một số người bạn trong xóm đã vào làm trước, Linh đã mạnh dạn nộp hồ sơ xin vào làm việc tại Công ty cổ phần May Yên Thành có cơ sở ngay tại xã Khánh Thủy. Sau thời gian thử việc, Linh nhanh chóng được nhận vào làm. Tháng đầu tiên, chưa quen việc và bắt nhịp với dây chuyền sản xuất cùng chị em trong tổ, Linh được lĩnh hơn 2 triệu đồng. Số tiền chưa nhiều nhưng giúp Linh yên tâm gắn bó với công việc và quyết tâm học tập thêm để nâng cao tay nghề. Sang tháng thứ 2, với sản lượng công việc thực hiện được cao hơn tháng trước, Linh nhận lương 3,5 triệu đồng. Cô cho biết: Nhiều chị em vào làm đã lâu còn có mức lương cao hơn, khoảng 4-6 triệu đồng/tháng nên em rất yên tâm gắn bó với công việc và phấn đấu làm nhiều hơn để đạt được mức lương như mọi người. Hơn nữa, do doanh nghiệp ở xã nên hàng ngày đi làm tiện lợi, rất phù hợp với lao động nữ như em… Trao đổi với anh Phạm Xuân Thành, Giám đốc Công ty cổ phần May Yên Thành được biết: Công ty May Yên Thành được thành lập vào cuối năm 2010 với 3 dây chuyền sản xuất, tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng. Với 2 cơ sở như hiện nay, Công ty đang giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động. Ngay khi thành lập, Công ty đã quan tâm tìm hiểu về nhu cầu của người lao động. Công ty đã mở hai cơ sở tại xã Khánh Thủy và Khánh Nhạc (Yên Khánh) để giúp người lao động có cơ hội tìm việc làm gần nhà, không phải xa quê. Bên cạnh đó, nhận thấy rõ lợi ích từ nguồn lao động dồi dào ở vùng nông thôn sẽ giúp cho hoạt động tuyển dụng lao động dễ dàng hơn nên Công ty quyết định đầu tư hoạt động sản xuất tại 2 địa phương này. Qua thời gian hoạt động, hầu hết người lao động đều hài lòng và yên tâm gắn bó với công việc…
Cũng như Công ty cổ phần May Yên Thành, Công ty may Đức Huân có trụ sở chính tại huyện Hoa Lư, thời gian gần đây đã chuyển hướng hoạt động về các địa bàn nông thôn trong tỉnh. Theo chị Vũ Thị Kim Yến, Giám đốc Công ty: Khi phối hợp với các địa phương trong tỉnh để mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Công ty nhận thấy nếu không có những cơ sở được mở ngay tại các địa phương có người vừa học nghề thì sẽ dẫn đến tình trạng học xong bỏ đấy bởi rất nhiều lao động ngại đi làm xa quê. Do thiên chức làm mẹ, làm vợ nên hầu hết lao động nữ đều có mong muốn làm gần nhà, dù thu nhập có thể thấp hơn khi đi xa…
Nắm bắt nhu cầu chính đáng của người lao động, ngay từ khi tổ chức các lớp đào tạo nghề, Công ty đã tìm kiếm địa điểm để mở xưởng sản xuất ngay tại địa phương dạy nghề hoặc tận dụng diện tích, nhà xưởng ở các địa phương để tiến hành hoạt động sản xuất. Trung bình mỗi năm, Công ty tổ chức dạy nghề cho từ 200 - 300 lao động nông thôn và phấn đấu sẽ tạo việc làm ngay sau học nghề cho các lao động ngay tại chính nơi họ được học nghề. Đó là cách giúp người lao động giải quyết được khó khăn, không phải xa quê và cũng là giải pháp giúp người lao động yên tâm làm việc và gắn bó với doanh nghiệp, góp phần giúp cho doanh nghiệp luôn chủ động với các đơn hàng, giao hàng đúng tiến độ.
Thực tế tìm hiểu tại các địa phương trong tỉnh cho thấy, nghề may công nghiệp là một trong những nghề có kỹ thuật không cầu kỳ, đơn giản nên thích hợp với nhiều lứa tuổi, được nhiều lao động, nhất là lao động nữ đón nhận và gắn bó. Để học được các kỹ thuật cơ bản của nghề may, mỗi lao động chỉ cần 2- 3 tháng học nghề là có thể thi tuyển vào làm công nhân may. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không phải đầu tư các thiết bị cồng kềnh, nhà xưởng với kinh phí lớn… nên quy mô của các doanh nghiệp may phù hợp với các vùng nông thôn, miền núi. Đồng thời, việc tuyển dụng công nhân may tại các khu vực nông thôn tương đối thuận lợi do nguồn lao động dồi dào, nhất là lao động trẻ sau tốt nghiệp THPT.
Trước thực trạng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm vẫn còn là một khoảng cách như hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp như: đính hạt cườm, móc hộp, thêu ren, khâu chăn bông xuất khẩu… đang hướng tới việc chuyển đổi hình thức hoạt động để vừa tận dụng được nguồn lao động tại địa phương, phù hợp với xu thế của thị trường, vừa góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Hoạt động chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh như một số doanh nghiệp ngành may mặc cho thấy đây là việc làm cần được nhân rộng.
Bùi Diệu