Theo báo cáo của UBND, tính đến ngày 31/8/2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2022 do địa phương quản lý là 6.998,121 tỷ đồng; tổng giá trị khối lượng thực hiện ước đạt gần 3 nghìn tỷ đồng; tổng số vốn giải ngân đạt trên 3.500 tỷ đồng, bằng 56,2% kế hoạch vốn, trong đó thanh toán khối lượng hoàn thành đạt trên 2.600 tỷ đồng, chiếm 76,2% số vốn giải ngân.
Kết quả giải ngân 8 tháng đầu năm mặc dù chưa cao như mong muốn song đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp ủy, chính quyền trong điều kiện nền kinh tế trong nước gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và bất ổn chính trị trên thế giới; giá nguyên vật liệu đầu vào gia tăng...
Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh tiếp tục có chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp. Việc xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư công được thực hiện bài bản, đúng trình tự, thủ tục theo quy định, đảm bảo phù hợp với khả năng huy động nguồn lực; việc bố trí vốn đảm bảo tập trung, không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư.
Cùng với đó, việc triển khai thực hiện cơ bản tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước... và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đồng thời, có sự theo dõi, chỉ đạo sát sao, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án.
Mặt khác, các chủ đầu tư đã cơ bản nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc nghiệm thu khối lượng hoàn thành và thanh toán khối lượng hoàn thành trong năm 2022, chú trọng hoàn tất các thủ tục thanh quyết toán vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Do đó, tỷ lệ giải ngân đạt cao so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đánh giá cao tầm quan trọng của việc giải ngân vốn đầu tư công trong thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế giai đoạn hiện nay, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp để đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, triển khai dự án.
UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đã được giao khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục... khởi công các dự án đã được phê duyệt, bố trí vốn; tập trung thi công và giải ngân các dự án đang triển khai.
Việc giao chi tiết và thông báo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 cho các đơn vị được triển khai kịp thời, thực hiện theo đúng các quyết định, thông báo vốn của cấp có thẩm quyền. Tổ chức nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành để giải ngân vốn theo tiến độ thực hiện; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn còn một số hạn chế. Nhiều dự án có nguồn vốn đầu tư lớn nhưng tiến độ giải ngân chậm. Một số dự án chưa thi công nhưng lại đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc đề xuất điều chỉnh dự án đầu tư; một số dự án dự kiến khó có khả năng hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư trong năm 2022 dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của cả tỉnh.
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân một số công trình đạt thấp, các cơ quan chuyên môn cho rằng: Do chất lượng lập, thẩm định, tham mưu báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo kinh tế - kỹ thuật và báo cáo nghiên cứu khả thi của một số dự án còn hạn chế. Công tác triển khai thực hiện từ khâu chuẩn bị đầu tư đến khâu triển khai thi công của một số công trình, dự án còn kéo dài, chưa đáp ứng tiến độ đã được phê duyệt và chủ yếu diễn ra tại quá trình chuẩn bị đầu tư.
Đại diện ngành Xây dựng cũng nhận định, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tiến độ thi công chậm là do chất lượng tư vấn và một số đơn vị được giao lập báo cáo nghiên cứu khả thi chưa đảm bảo, phải chỉnh sửa nhiều lần, dẫn đến phải lại xin ý kiến các đơn vị có liên quan, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Mặt khác, trong những tháng đầu năm dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công các công trình, dự án nên chưa đạt giá trị khối lượng thực hiện để giải ngân theo kế hoạch vốn cấp.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và năm 2021 kéo dài, góp phần phục hồi kinh tế trong năm 2022, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, chủ đầu tư tập trung vào một số giải pháp như: Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý dự án đầu tư công. Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác lập, thẩm định, tham gia góp ý đối với từng khâu: Chủ trương dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán.
Đảm bảo phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã phê duyệt, tránh trùng lặp hạng mục, chồng lấn giữa các dự án; chỉ được trình và quyết định chủ trương đầu tư theo đúng thẩm quyền và đã xác định rõ nguồn vốn, khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Tập trung thực hiện nghiêm túc các giải pháp về để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh gắn với nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nguồn vốn.
Nguyễn Thơm - Anh Tuấn