Để chủ động phòng, chống lụt bão, UBND huyện Gia Viễn đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB & TKCN) năm 2012. Với phương châm: "chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của thiên tai" trong đó lấy công tác phòng là chính, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê kè, cống và hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đồng chí Lê Xuân Minh, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban PCLB & TKCN huyện cho biết: Huyện ủy, HĐND, UBND huyện xác định công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm. Vì thế, Huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, tu bổ kịp thời các tuyến đê trung ương, địa phương, các công trình thủy nông đảm bảo tiêu úng, lụt kịp thời, hiệu quả.
Hiện toàn huyện có 4 tuyến đê với tổng chiều dài 57,258 km ngoài ra còn có các tuyến đường bờ vùng và nhiều hệ thống công trình nội đồng. Đánh giá về hiện trạng các công trình PCLB và xác định trọng điểm xung yếu, đồng chí Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Hệ thống đê trên địa bàn huyện mới được đầu tư tu sửa nâng cấp cơ bản đủ khả năng chống lũ theo mực nước thiết kế, đảm bảo an toàn, đáp ứng được yêu cầu PCLB. Tuy nhiên khi mực nước lũ trên báo động III trở lên: hiện tượng thẩm lậu, sạt trượt do nước ngâm lâu ngày có thể xảy ra do công trình mới được xây dựng chưa qua thử thách với lũ. Qua kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình PCLB, UBND huyện xác định trọng điểm chống lụt bão năm 2012 là: cống Tân Hưng và đập tràn Lạc Khoái. Do vậy cần phải chủ động tích cực kiểm tra, tuần tra canh gác thường xuyên trong mùa mưa bão và có phương án dự phòng PCLB&TKCN sát với thực tế địa bàn để khi có tình huống bão lũ xảy ra huyện, các đơn vị, địa phương và nhân dân chủ động đối phó với bão lũ. Mục tiêu là đảm bảo an toàn cho các công trình phục vụ sản xuất và đời sống, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Việc nắm chắc được tình hình, hiện trạng các công trình PCLB và xác định được trọng điểm xung yếu trên địa bàn là điều kiện thuận lợi cho huyện triển khai các phương án PCLB năm 2012.
Nhà tránh bão, lụt xã Gia Phong (Gia Viễn). Ảnh: Trần Đức
Ngay từ đầu năm UBND huyện đã kiện toàn Ban PCLB & TKCN, đồng thời tích cực triển khai xây dựng phương án PCLB, TKCN sát với thực tế địa bàn. Công tác PCLB năm 2012 được Gia Viễn tập trung thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Về vật tư toàn huyện đã chuẩn bị được 5.897 m3 (tại các cống dưới đê); 1.100 m3 đất; 6 nghìn bano tải; hơn 600 chiếc áo phao cứu sinh các loại ngoài ra còn có máy phát điện, xuồng, xẻng, nhà bạt… Về phương tiện phục vụ cho công tác PCLB, huyện đã bố trí 18 chiếc đò loại máy (12-15) CV, 70 thuyền máy từ (30-200) tấn, 45 xe tải nhẹ, 2 xe chở khách, 6 xe tải (4-10) tấn, xe con, máy xúc, máy ủi, xe cứu thương… Về lực lượng, Ban Chỉ huy PCLB huyện bố trí lực lượng xung kích ở mỗi xã, thị trấn có 100 người, hiệp đồng với lực lượng quân đội đứng chân trên địa bàn như: Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Lữ đoàn 241, Trường Trung cấp tăng thiết giáp (Bộ tư lệnh tăng thiết giáp)… 250 người với phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra; có kế hoạch cụ thể cho từng phương án, chủ động trong mọi tình huống; cố gắng không để vỡ đê, mất mùa, chết người; hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất tính mạng và tài sản của Nhà nước, nhân dân do thiên tai gây ra. Đồng thời, huyện cũng đã chủ động triển khai các công điện, thông tin trên đài truyền thanh 3 cấp, phân công các đồng chí phụ trách xuống địa bàn để chỉ đạo, kiểm tra các công trình PCLB, vật tư, phương tiện, lực lượng để đối phó với bão lũ. Tổ chức trực ban 24/24h để phát hiện những sự cố đê điều, có phương án xử lý kịp thời. Riêng diện tích lúa và hoa màu, huyện chỉ đạo ngành chức năng cho kiểm tra, tu sửa hệ thống trạm bơm; huy động sức dân nạo vét các hệ thống kênh mương nội động chống tắc nghẽn, đảm bảo tưới tiêu nước cho ruộng đồng theo phương án đã xây dựng.
Hiện toàn huyện đang duy trì tổng số 27 hệ thống trạm bơm, 119 máy các loại với tổng công suất thiết kế 317.500 m3/h; ngoài ra còn có một số trạm bơm dã chiến do các xã quản lý cùng các hệ thống kênh tiêu sẵn sàng ứng cứu khi bão lũ xảy ra.
Bài, ảnh: Đức Lam