Để đạt được mục tiêu này , Gia Viễn xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động mọi nguồn lực phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Toàn huyện đã triển khai mạnh mẽ phong trào "Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới". Hoàn thành khảo sát, lập đề án xây dựng quy hoạch tổng thể xây dựng nông thôn mới trong năm 2011 đảm bảo chất lượng. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung, kế hoạch xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã, trong đó tập trung vào 6 xã: Gia Thanh, Gia Thắng, Gia Tiến, Gia Sinh, Gia Phương và Gia Lập.
Trong nhiệm kỳ 2010-2015, huyện cũng sẽ chú trọng đầu tư, cơ bản hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương và mạng lưới điện. Đây cũng là cơ sở để hoàn thành các mục tiêu về nông nghiệp như: đảm bảo an ninh lương thực, ổn định diện tích trồng lúa khoảng 12.500 ha, trong đó diện tích lúa chất lượng cao đến năm 2015 đạt trên 40%. Phấn đấu đạt sản lượng lương thực bình quân 73 nghìn tấn/năm. Tiếp tục phát triển vụ đông với diện tích khoảng 2.500 ha trở lên. Nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm. Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trang trại, đầu tư phát triển một số con nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương. Phát triển lâm nghiệp một cách toàn diện, vừa đảm bảo vai trò phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, vừa có giá trị kinh tế cao theo hình thức nông lâm kết hợp, mỗi năm trồng mới thêm khoảng 100.000 cây phân tán.
Đối với phát triển công nghiệp, đảm bảo tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bình quân 16,9%/năm. Với mục tiêu này, Gia Viễn đang từng bước củng cố, phát triển các ngành nghề, làng nghề là thế mạnh của địa phương như sản xuất gạch đất nung và gạch không nung, may mặc, công nghiệp chế biến; quan tâm phát triển một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như: mộc, nề, đan lát, thêu ren, trẻ tăm hương, làm mũ, nón…, trong đó ưu tiên phát triển các làng nghề truyền thống, nhất là làng nghề gắn với du lịch. Huy động vốn đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề huyện, đảm bảo đến năm 2013 sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất và đưa Trung tâm dạy nghề vào hoạt động, đồng thời hình thành các làng nghề ở các địa phương, nhất là các địa phương có đất bị thu hồi để triển khai các dự án.
Hoàn thành quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp, làng nghề để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất. Kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với phát triển kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Trong lĩnh vực dịch vụ và du lịch, huyện xác định từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng ngành dịch vụ, du lịch chiếm trên 23%. Khai thác có hiệu quả những tiềm năng và hạ tầng du lịch, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm dịch vụ du lịch, đi đôi với đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện văn minh du lịch ở các khu, điểm du lịch.
Đẩy mạnh hoạt động thương mại, chú trọng phát triển đồng bộ trung tâm thương mại và mạng lưới bán lẻ, tập trung xây dựng hệ thống chợ, trước hết là chợ đầu mối tại các xã Gia Thanh, Gia Sinh, Gia Tiến, Gia Trấn, Gia Hưng, thị trấn Me… Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tăng cường xã hội hóa trong đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ thương mại. Đồng thời tăng cường quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vận tải, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông…, đáp ứng yêu cầu phát triển thời kỳ mới.
Song song với các giải pháp phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện Gia Viễn còn đề ra nhiều biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Đặc biệt, tăng cường công tác quy hoạch; chú trọng chất lượng lập quy hoạch, tính thống nhất từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội để quy hoạch vùng, quy hoạch sản xuất, quy hoạch sản phẩm, quy hoạch xây dựng, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đai, cấp thoát nước, xử lý rác thải…
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng bền vững, Gia Viễn sẽ kết hợp chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình của huyện. Huy động có hiệu quả các nguồn lực trong xã hội để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển trong các lĩnh vực. Quản lý chặt chẽ các chỉ số đảm bảo môi trường của từng dự án, từng làng nghề, khu dân cư và từng khu vực sản xuất nhằm bảo vệ môi trường bền vững. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với môi trường sinh thái; bảo vệ, quản lý và khai thác có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên nước và nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
Bảo Yến