Thời điểm này, công tác chuẩn bị cho "chiến dịch" phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa bão được chính quyền địa phương và Trạm Y tế xã Gia Sinh tích cực thực hiện. Ông Lê Xuân Hiền, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Gia Sinh cho biết, hiện nay, đời sống của nhân dân xã Gia Sinh đã có sự đổi thay rõ rệt. Toàn xã có gần 80% hộ gia đình xây dựng được hố xí hợp vệ sinh, trên 90% hộ xây đựng được bể chứa nước sạch; 100% hộ xử lý rác thải hợp vệ sinh. Xã cũng đã thành lập được các đội thu gom rác thải, phát động phong trào dọn vệ sinh môi trường hàng tháng… Những yếu tố thuận lợi này góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất ở địa phương nên hầu hết các gia đình đều có chuồng nuôi gia súc, gia cầm ở gần nhà… Đây vẫn là những nguy cơ bùng phát dịch bệnh khi xảy ra tình trạng ngập úng. Trước thực trạng đó, năm nào cũng vậy vào thời điểm trước mùa mưa bão, Trạm y tế xã Gia Sinh đều tổ chức các đợt cao điểm đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân bảo vệ giếng, bể nước sạch, bảo vệ nguồn lương thực, thực phẩm, thu gom nguồn phân gia súc không để lan tràn ra môi trường. Cùng với đó, Trạm y tế xã cũng chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão như: thuốc điều trị tiêu chảy, đau mắt đỏ, thuốc trị nước ăn chân và đặc biệt là hóa chất CloraminB để khử nguồn nước bị ô nhiễm. Không chỉ tập trung phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão, các dịch bệnh theo mùa như cúm, tiêu chảy, tay- chân- miệng… cũng được địa phương đẩy mạnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh phát sinh và bùng phát trên diện rộng.
Ông Đỗ Ngọc Cảnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn cho biết, trong mùa mưa bão năm nay, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đến các xã, thị trấn ngay từ đầu tháng 4/2017. Theo đó, Trung tâm y tế huyện tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức và năng lực giám sát phát hiện ca bệnh, điều tra và xử lý ổ dịch, ca bệnh; nâng cao kỹ năng chẩn đoán, điều trị và kỹ năng truyền thông phòng chống dịch, cập nhật kiến thức điều trị bệnh nhân cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã (đặc biệt phác đồ điều trị các bệnh dịch nguy hiểm như Cúm A (H5N1, Cúm A (H1N1), Cúm A (H7N9); sởi; chân -tay-miệng; liên cầu lợn....
Ngoài ra, Trung tâm cũng cử cán bộ Đội Y tế dự phòng về phối hợp với Trạm y tế xã tập trung tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người dân thực hiện công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh; triển khai các hoạt động để đảm bảo vệ sinh môi trường, sinh hoạt trước khi bão đến như: cất giữ lương thực, thực phẩm nơi cao ráo, đảm bảo tốt nguồn nước ăn, tổ chức ăn chín, uống sôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Ngành Y tế huyện phối hợp với các địa phương tập trung làm tốt việc kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, nhất là các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các quán ăn… nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Đặc biệt, cán bộ Đội Y tế dự phòng huyện phối hợp với các y, bác sĩ của Trạm y tế, các tổ chức hội, đoàn thể như: Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh… của các xã, thị trấn tới từng hộ gia đình để tuyên truyền, phát tờ rơi nhằm phổ biến sâu rộng những biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong chính gia đình mình.
Cụ thể, trước khi nước vào, mỗi gia đình cần chuẩn bị nắp và nilon để bịt miệng giếng khơi, giếng khoan trước khi bị ngập úng. Trong trường hợp giếng nước bị ngập, các hộ dân cần xử lý bằng phèn chua với liều lượng 1g/20 lít nước. Nếu không có phèn chua, thì dùng vải sạch lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm nhiều lần cho tới khi nước trong. Cần dùng Cloramin B để khử trùng các thể tích nước nhỏ như: chum, vại bể chứa nhỏ. Với khu vực nhà tiêu hai ngăn, người dân cần lấy hết phân ra, đào hố ủ, lèn chặt đất, mỗi ngăn đổ khoảng 2-3kg vôi bột. Nhà tiêu tự hoại hoặc thấm dội nước cần chuẩn bị nút bệ xí, nhà tiêu đào phải lấp một lớp đất dày khoảng 0,5m, lèn chặt.
Sau khi nước rút, các địa phương cần chú ý xử lý xác súc vật chết bằng cách phun hóa chất diệt côn trùng, tưới dầu hỏa lên xác súc vật để chống sự xâm nhập của các loài ăn thịt và côn trùng, đợi khi nước rút thì đem chôn. Nước rút tới đâu, vệ sinh môi trường tới đó. Đối với nguồn thực phẩm, đội y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần chuẩn bị sẵn những thực phẩm khô, có thể để lâu.
Những động vật ốm, chết thì đem chôn chứ không được giết thịt. Đặc biệt là không được sử dụng rau sống trong mùa lũ… Ngoài ra, đội tuyên truyền cũng vận động người dân chủ động chuẩn bị các phương tiện như thuyền, bè... để đi lại trong mùa mưa lũ. Những nội dung khuyến cáo này được các địa phương xây dựng thành các bài tuyên truyền để phát thường xuyên, đều đặn hàng ngày qua hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn để mỗi người dân đều nắm được.
Ông Đỗ Ngọc Cảnh, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Gia Viễn cho biết thêm: Trong kế hoạch "tác chiến" với dịch bệnh trong mùa mưa lũ, Đội Y tế dự phòng huyện đã thành lập 2 tổ y tế lưu động sẵn sàng cơ động đi dập dịch dưới sự điều động của Trung tâm y tế huyện trong trường hợp bão lụt và dịch bệnh xảy ra.
Đội còn thành lập hẳn một tổ "hậu cần", làm nhiệm vụ thường trực cung ứng thuốc men, cơ sở vật chất chống dịch và bổ sung người cho 2 tổ trên khi cần thiết. Đảm bảo đủ vật tư, hóa chất, thuốc đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch (08 cơ số thuốc chống dịch, 100 kg clophenanmin, 50kg phèn chua, 02 máy phun hóa chất, dung dich rửa tay nhanh, 100 bộ quần áo bảo hộ, ủng chống dịch, khẩu trang Y tế). Khi dịch bệnh xảy ra, Đội sẽ cấp miễn phí cho người dân các loại thuốc cơ bản như: Phèn chua, Cloramin B, Crerin, thuốc nước ăn chân, thuốc nhỏ mắt và hóa chất diệt ruồi muỗi…
Trung tâm cũng đã đề nghị cấp trên hỗ trợ về nhân lực và vật tư chống dịch trong trường hợp xảy ra dịch lớn, cố gắng không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu giường cho bệnh nhân…
Đào Hằng