Về Gia Phong, một trong ba xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện, hoạt động giúp đỡ hộ nghèo nơi đây luôn nhận được sự quan tâm sát sao, hiệu quả của các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện. Cùng với chị Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã đến thăm các mô hình kinh tế, các hộ phụ nữ đứng chủ được Hội Phụ nữ tỉnh giúp đỡ, chúng tôi ghé thăm nhà chị Quách Thị Tạo ở xóm 4 Lỗi Sơn. Ngôi nhà mái ngói của chị Tạo nằm ngay bên vệ đường, tăm tre được phơi khắp sân nhân ngày có nắng. Chị Nguyễn Thị Dung cho biết: Đây là hộ phụ nữ đứng chủ đã được Hội phụ nữ tỉnh giúp đỡ thoát nghèo thông qua việc dạy nghề chẻ tăm hương, giúp sửa chữa nhà, hỗ trợ ngày công lao động… Do đó, cuộc sống của hai mẹ con chị Tạo đã vơi bớt khó khăn.
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Tạo cho biết thêm: Từ năm 2008, Hội Phụ nữ tỉnh về phối hợp mở lớp dạy nghề chẻ tăm hương, tôi đã theo học để có thêm nghề kiếm sống trong những lúc nông nhàn. Với những phụ nữ trung tuổi như tôi, không thể làm việc nặng, không đi làm xa được thì nghề này khá thích hợp. Cả ngày, hai mẹ con, thu nhập hơn 20.000 đồng/ngày, để chi tiêu, chợ búa hàng ngày…. Được biết, với nhiều hoạt động được triển khai như: Tín chấp cho hội viên vay vốn, tham gia ngày công xây dựng nhà, dạy nghề chẻ tăm hương…, năm 2012, Hội Phụ nữ xã đã giúp đỡ 22 hộ phụ nữ nghèo đứng chủ thoát nghèo. Bên cạnh đó, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội và doanh nghiệp nên nghề chẻ tăm hương từ năm 2008 đến nay được duy trì, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hơn 100 lao động trong xã với bình quân từ 350.000 - 450.000 đồng/người/tháng. Cùng với chẻ tăm hương, nghề khâu nón, may mặc, xây dựng… cũng góp phần tạo việc làm cho hàng chục lao động nữ lúc nông nhàn. Với xã Gia Phong, cùng với việc thực hiện nghiêm, chính xác, kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo như: Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay hộ nghèo, chương trình tín dụng học sinh, sinh viên nghèo…, xã đã chỉ đạo các đoàn thể làm tốt công tác hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nghèo, hộ nghèo trong xã phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Từ đầu năm đến nay, xã đã hoàn thành xây dựng 4 ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Tập đoàn The Vissai, mỗi ngôi nhà ngoài phần kinh phí hỗ trợ từ 35- 50 triệu đồng/nhà còn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ về ngày công, kinh phí của anh em dòng họ, các đoàn thể. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 3,04%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 0,78%.
Nét nổi bật trong hoạt động giảm nghèo năm nay của huyện Gia Viễn là giải quyết khó khăn về nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách có nhà ở xuống cấp, dột nát. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã có 125 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà bằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức, nhà tài trợ như: Ngân hàng Bưu điện Liên Việt 20 nhà, Tập đoàn Vingroup 14 nhà, Ngân hàng Công thương 29 nhà, Tập đoàn Xuân Thành 50 nhà, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 7 nhà và Báo Sài Gòn Giải phóng 5 nhà. Đến nay, đã có 20 hộ hoàn thành việc xây dựng nhà, 26 hộ đã khởi công xây dựng. Các hộ còn lại đang triển khai hồ sơ đề nghị và dự kiến xây dựng trong năm 2012 khi có quyết định hỗ trợ kinh phí của nhà tài trợ. Ngoài sự hỗ trợ kinh phí từ 35 - 50 triệu đồng/nhà của các tổ chức, nhà tài trợ, các gia đình cần nhận được sự giúp đỡ về ngày công, kinh phí của gia đình, dòng họ và bà con thôn, xóm, do đó tổng kinh phí xây dựng từ 60 - 80 triệu đồng/nhà, có một số gia đình xây dựng nhà mái bằng khang trang, kiên cố, trị giá trên 100 triệu đồng/nhà. Cùng với việc giúp các hộ nghèo, hộ chính sách giải quyết khó khăn về nhà ở, ổn định cuộc sống, hoạt động hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, tìm việc làm cũng được các cấp, các ngành trong huyện quan tâm.
Huyện đã phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh, huyện tổ chức 6 lớp dạy nghề chẻ tăm hương cho 500 lao động nông thôn tại 6 xã. Hiện đang triển khai tiếp 6 lớp dạy nghề cho gần 400 lao động có nhu cầu học nghề thêu ren, chẻ tăm hương trong huyện. Bên cạnh đó, một số làng nghề truyền thống trên địa bàn như: Đan nón, mây tre đan, chẻ tăm hương… tại một số xã trong huyện cũng tìm được đầu ra cho sản phẩm để duy trì nghề, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Huyện cũng đã tổ chức điều tra, rà soát nhu cầu học nghề, việc làm của lao động những nơi bị thu hồi đất cho 3.300 hộ, chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề huyện và các cơ sở dạy nghề triển khai kế hoạch đào tạo nghề may công nghiệp cho những lao động có nhu cầu… Năm nay, Gia Viễn được chọn triển khai công tác tuyển chọn lao động đi làm việc tại Malaysia theo chương trình thí điểm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Đã có 10 lao động đi kiểm tra sức khỏe, 1 lao động đã sang làm việc, 2 lao động đã được cấp visa, đang làm thủ tục và dự kiến đi xuất khẩu lao động vào cuối tháng 12-2012.
Về một số địa phương trong huyện vào dịp cuối năm, chúng tôi nhận thấy niềm vui, sự phấn khởi của nhiều hộ nghèo khi nhận được sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Gần 300 con bê do Tập đoàn Vingroup hỗ trợ cho các gia đình nghèo, gia đình chính sách trong huyện đang được các hộ gia đình chăn thả, chăm sóc với hy vọng đây là "cần câu cơm" để nhiều hộ có cơ hội thoát nghèo.
Bùi Diệu