Bà Nguyễn Thị Tỵ, ở xã Gia Minh là hộ có hoàn cảnh rất đặc biệt. Bà Tỵ đã cao tuổi lại bị khiếm thị. Bà ở với con gái năm nay cũng đã gần 50 tuổi. Tưởng chừng con gái là chỗ dựa mọi mặt cho bà, nhưng sức khỏe con gái bà kém, đôi mắt cũng không tinh tường nên việc mưu sinh thực sự rất khó khăn.
Bà Tỵ chia sẻ: Con gái tôi thêm tuổi thì sức khỏe kém dần, nhưng vẫn phải cố gắng để chăm lo cho mẹ già và người cô ruột tuổi cao, đang ở cùng chúng tôi. Hoàn cảnh của gia đình tôi vốn đã rất khó khăn, đau yếu quanh năm, thành thử từ nhiều năm nay tôi vẫn là hộ nghèo của xã. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết là tôi lại được nhận những món quà tình nghĩa của tỉnh, huyện và các tổ chức xã hội.
Những món quà ấy giúp người nghèo chúng tôi có thêm điều kiện để đón Tết đầy đủ, đầm ấm. Cùng với việc tiếp nhận những món quà từ các tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm để trao tận tay người nghèo, đã thành thông lệ, vào dịp gần Tết là các cấp ủy, chính quyền huyện Gia Viễn lại tất bật chăm lo Tết cho người nghèo.
Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch thăm và tặng quà Tết cho người nghèo, gia đình chính sách trong toàn huyện một cách chu đáo. Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay, bên cạnh các phần quà của Trung ương, của tỉnh và các tổ chức, đoàn thể, huyện Gia Viễn cũng bố trí ngân sách để thăm, tặng quà và trợ cấp cho hàng nghìn đối tượng hộ nghèo, gia đình người có công, người cao tuổi, thân nhân các quân nhân đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng khó khăn và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn.
Để thực hiện công tác chăm lo Tết cho người nghèo và gia đình chính sách, huyện quán triệt các xã, thị trấn phải thực hiện rà soát chính xác, đầy đủ những hộ gia đình khó khăn, các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, giúp hộ nghèo, gia đình chính sách có một cái Tết ấm áp hơn.
Không chỉ quan tâm, chia sẻ với người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán, những năm qua, huyện Gia Viễn đặc biệt quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ người nghèo, giúp họ có thêm điều kiện để vươn lên thoát nghèo. Một trong những giải pháp được địa phương thực hiện có hiệu quả đó là công tác đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trong đó có hộ nghèo. Theo đó, cùng với nỗ lực giải phóng mặt bằng, thực hiện các chính sách thu hút đầu tư vào 4 khu, cụm công nghiệp đã và đang hoàn thiện, đi vào hoạt động, huyện Gia Viễn luôn yêu cầu các doanh nghiệp có "cam kết" đi kèm, đó là phải ưu tiên, tạo việc làm cho lao động khu vực thu hồi đất.
Bên cạnh đó, huyện cũng làm tốt công tác dự báo nhu cầu về nguồn lao động của các doanh nghiệp để có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Hiện nay, toàn huyện có 18 nghìn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp với mức thu nhập khá. Đặc biệt, đối với những lao động ngoài độ tuổi 40, huyện chú trọng công tác đào tạo nghề, lựa chọn những nghề phù hợp để truyền dạy với mục tiêu người lao động học và làm nghề để mưu sinh dài lâu.
Từ đó, giúp người dân ở những vùng nghèo, khu vực bị thu hồi đất... có thêm công cụ để vươn lên thoát nghèo. Với quan điểm đó, thời gian qua, UBND huyện Gia Viễn đã căn cứ vào thế mạnh của từng địa phương để lựa chọn nghề cho lao động bị thu hồi đất. Theo đó, huyện đã phối hợp mở lớp dạy các nghề như: kỹ thuật chế biến món ăn, hướng dẫn du lịch cho lao động ở xã Gia Sinh. Khảo sát sau khóa học của lao động xã Gia Sinh cho thấy, người lao động phấn khởi vì được học đúng nghề phù hợp với xu thế phát triển kinh tế địa phương, phù hợp với năng lực của bản thân.
Bên cạnh đó, đón đầu xu thế tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, huyện tiếp tục đưa nghề may công nghiệp vào dạy ở những xã có doanh nghiệp may mặc đứng chân trên địa bàn như Gia Phú, Gia Minh, Gia Tân, Gia Vân... huyện Gia Viễn đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc đào tạo nghề cho lao động. Doanh nghiệp cử cán bộ chuyên môn trực tiếp dạy nghề cho học viên.
Đồng thời, cung cấp các trang thiết bị cho người lao động học nghề. Với cách làm này, phần lớn học viên sau khi học xong sẽ được bố trí việc làm, đáp ứng được yêu cầu công việc... Tận dụng lợi thế về nguồn lao động, nhiều doanh nghiệp còn về tận các xã để mở xưởng may vệ tinh. Hiện nay, toàn huyện có hàng chục nghìn lao động, đặc biệt là lao động ngoài 40 tuổi làm việc tại các xưởng may vệ tinh.
Ngoài ra, để đảm bảo an sinh xã hội, huyện Gia Viễn còn thực hiện tốt các chính sách về bảo hiểm y tế; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên... đồng thời đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chính sách khác đối với các đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội; huy động nguồn lực xã hội hóa chăm lo cho người nghèo bằng hình thức tặng công cụ sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhà ở...
Riêng năm 2021, các hội, đoàn thể của huyện đã khảo sát và kết nối hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 8 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở. Với sự phối hợp đồng bộ, tích cực của các cấp, các ngành và nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Gia Viễn đã đạt hiệu quả theo hướng bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2022-2025 của huyện Gia Viễn còn 1.184 hộ, chiếm 2,97%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1.094 hộ, chiếm 2,76%.
Đào Hằng