Bà Trần Thị Tải, xóm Phong Tĩnh, xã Gia Phong cho biết: Gia đình tôi và hầu hết người dân trong thôn, trong xã phải trông chờ vào nguồn nước mưa để sử dụng. Bởi có đào giếng thì nguồn nước ngầm cũng không đảm bảo vệ sinh, một số gia đình đã đào giếng từ 7-20m nhưng nước vẫn đục, có mùi tanh, qua hệ thống lọc cũng không cải thiện được nhiều. Mùa mưa còn tạm đủ dùng, còn mùa hè thì liên tục thiếu nước, thường phải tận dụng dùng nước ao hồ, sông ngòi không đảm bảo vệ sinh.
Vẫn theo đồng chí Chủ tịch UBND xã Đinh Huy Lựa, với hơn 4 nghìn khẩu, hầu hết người dân trong xã vẫn đang loay hoay với việc tìm nguồn nước sạch để dùng. Gần đây, theo chương trình của tỉnh, Nhà máy nước xã Gia Sinh có thể cung cấp một phần nước sạch cho một số thôn trên địa bàn xã Gia Phong; nhưng một thực tế đặt ra là, chi phí lắp đặt đường ống, đồng hồ đến hộ dân để được sử dụng nước sạch không hề rẻ (từ 3,5 triệu đồng/hộ trở lên), trong khi đời sống người dân chủ yếu là nông nghiệp, nguồn lực đầu tư xây dựng của xã không có. Các cấp chính quyền và người dân chỉ có thể trông chờ vào sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành để người dân nhanh chóng được sử dụng nước sạch sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe và đời sống dân sinh.
Giống như xã Gia Phong, xã Gia Phương cũng đang gặp khó khi nhà máy nước được đầu tư xây dựng đã lâu mà chưa thể hoàn thiện, nguyên nhân là không có nguồn vốn để tiếp tục đầu tư. Công trình được đầu tư xây dựng từ năm 2006 với tổng mức đầu tư ban đầu trên 4 tỷ đồng, vài năm sau cũng đã được bổ sung thêm kinh phí xây dựng. Sau hơn 4 năm thi công, công trình đã xây dựng được một số hạng mục chính như bể chứa nước, nhà bảo vệ, hệ thống tường bao quanh và lắp đặt đường ống nước về 6 thôn trong xã, tuy nhiên, nhiều năm nay công trình bị ngừng lại và bỏ hoang.
Theo đồng chí Đào Văn Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phương, nếu công trình hoàn thiện và đi vào hoạt động sẽ cung cấp nước sạch cho hơn 1 nghìn hộ dân trên địa bàn xã. Trước thực tế người dân đang thiếu nước sạch sinh hoạt, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm không thể sử dụng được, chính quyền xã và người dân đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản và qua các buổi tiếp xúc cử tri nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ, nhưng câu trả lời là chưa bố trí được nguồn vốn.
Theo đồng chí Ngô Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn, tính đến thời điểm hiện nay, huyện Gia Viễn còn 3 công trình nước sạch đang để dở dang, thuộc các xã Gia Phương, Gia Phong và Gia Minh. Đây là những công trình thuộc Dự án phân lũ, chậm lũ từ năm 2006. Mỗi công trình được đầu tư từ 5-7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Ngoài hàng chục công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả, phục vụ thiết thực đời sống nhân dân, hiện còn một số công trình bị bỏ không với thời gian đã khá lâu. Trước thực tế đó, các cơ quan có trách nhiệm của huyện Gia Viễn cũng đã nhiều lần ý kiến, kiến nghị lên cấp trên với mong muốn được hỗ trợ vốn đầu tư hoàn thiện công trình, nhưng nguồn ngân sách của tỉnh chưa thể đáp ứng được.
Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn, trước thực trạng thiếu nước sạch sinh hoạt ở nhiều địa phương như hiện nay, huyện đã có chủ trương huy động xây dựng Nhà máy nước quy mô lớn tại xã Gia Phú, có thể cung cấp đủ nước sạch cho 17 xã bên tả Hoàng Long. Đối với một số xã còn khó khăn về nguồn nước sạch bên hữu Hoàng Long, giải pháp đặt ra là huy động nguồn lực xã hội hóa, nguồn ngân sách địa phương để hoàn thiện các nhà máy còn xây dựng dở dang, từ đó giải quyết căn bản được tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trên địa bàn huyện Gia Viễn.
Được biết, không chỉ riêng huyện Gia Viễn, mà ở một số địa phương khác trong tỉnh, cũng còn công trình nước sạch thi công dở dang nhiều năm chưa hoàn thiện. Việc đó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh mà còn ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện xây dựng NTM tại các địa phương. Vấn đề đặt ra là, các địa phương cần nỗ lực huy động mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện các công trình nước sạch này, để vừa đảm bảo đời sống, sức khỏe người dân, vừa hoàn thành tiêu chí môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: Hạnh Chi