Được biết, diện tích cấy lúa mùa của huyện Gia Viễn là 5.760 ha. Theo cơ cấu, trà lúa mùa sớm là 1.759,5 ha, chiếm 30,5% (giảm 377 ha so với vụ mùa năm 2014), trà mùa trung diện tích là 3.850 ha, chiếm 66,8 %, còn lại là trà mùa muộn. Ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã quyết liệt chỉ đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT, các cơ quan chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn trong công tác bố trí lịch thời vụ, chỉ đạo sản xuất. Giai đoạn lúa đẻ nhánh sinh trưởng phát triển tương đối tốt.
Các biện pháp kỹ thuật thâm canh lúa mùa được tuyên truyền rộng rãi tới nông dân, tạo động lực cho người dân tích cực tiếp thu các tiến bộ KHKT về giống, phân bón, kỹ thuật thâm canh áp dụng vào sản xuất. Các HTX nông nghiệp đã chủ động gieo cấy lúa mùa đúng thời vụ, đảm bảo cơ cấu các trà lúa.
Tuy vậy, theo thống kê, toàn huyện năng suất lúa mùa ước đạt 48,16 tạ/ha, thấp hơn so với kế hoạch đề ra và thấp hơn vụ mùa năm 2014.
Đồng chí Bùi An Khang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Điều kiện thời tiết vụ mùa năm 2015 có nhiều bất thuận đối với sản xuất nông nghiệp, đầu vụ hạn kéo dài làm ảnh hưởng một phần tới tiến độ lấy nước làm đất, gieo mạ; cùng với đó trong cả vụ các đối tượng sâu, dịch hại phát sinh, phát triển nhanh, nhất là chuột và sâu đục thân hai chấm lứa 5 đã ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa....
Tìm hiểu và trao đổi với đại diện lãnh đạo các xã Gia Tiến, Gia Thắng, HTX Mai Sơn (Gia Lạc)... được biết: Tuy chưa kết thúc việc thu hoạch lúa mùa, song sẽ có nhiều mức đánh giá năng suất trong vụ lúa này. Những diện tích lúa nào được thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật: chăm bón, phòng trừ sâu bệnh và đánh chuột tốt sẽ cho kết quả tốt, năng suất ước đạt 45-48 tạ/ha.
Đồng chí Trần Văn Thắng, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Ngoài các yếu tố chân ruộng trũng hay cao, giống lúa thích hợp thì yếu tố quyết định đó là công tác chăm sóc, theo dõi phòng trừ sâu bệnh và diệt chuột. Vụ này, phong trào diệt chuột ở Gia Viễn khá tốt nên giảm hẳn sự tàn phá của chuột.
Tuy nhiên, ở một vài địa phương có tâm lý không phun thuốc trừ sâu. Một phần vì sợ có dư lượng hóa chất còn ở hạt gạo dùng trong gia đình. Bên cạnh đó, nhiều hộ xã viên, địa phương khan hiếm lao động trẻ, khỏe. Sau khi triển khai cấy xong, lực lượng này đi làm ăn xa nên không có người ra đồng phun thuốc phòng trừ.
Chúng tôi về xã Gia Thanh - địa phương được đánh giá là có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp và nhiều năm qua có năng suất lúa cao đứng tốp đầu cả huyện.
Đồng chí Nguyễn Duy Thọ, Chủ tịch UBND xã Gia Thanh cho biết: Năng suất đánh giá HTX Thượng Hòa ước đạt 217 kg/sào (58 tạ/ha) và HTX Phương Đông trên 160 kg/sào (44 tạ/ha). Sở dĩ HTX Thượng Hòa có năng suất cao là do nơi đây xã viên triển khai gieo sạ, tỷ lệ lên đến trên 60% diện tích. Ngoài lợi thế về giảm công cấy lúa, gieo sạ đã mang lại mật độ bông dày hơn khoảng 15% so với kỹ thuật cấy thông thường.
Bên cạnh đó, xã viên ở đây chuyên tâm với đồng áng nên việc thực hiện nghiêm các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn (đảm bảo khung thời vụ gieo cấy, lịch chăm sóc, đặc biệt là phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh...) sẽ cho năng suất lúa cao hơn.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh