Cũng như những năm trước, sau khi thu hoạch xong vụ hè thu, gia đình ông Đỗ Đăng Quang, ở xóm 8, xã Gia Thắng (Gia Viễn) tranh thủ bắt tay vào làm đất chuẩn bị gieo trồng vụ đông. Trên diện tích 1,6 mẫu đất màu, ngoài trồng các loại cây quanh năm như dưa chuột, mướp đắng thì từ tháng 8 (âm lịch), ông bắt đầu trồng các loại cây rau màu ưa lạnh như cà chua, bắp cải, su hào, súp lơ…
Hiện tại 6 sào cà chua của gia đình ông bắt đầu ra quả, sẽ cho thu hoạch vào khoảng giữa tháng 10 (âm lịch), còn 5 sào bắp cải trồng được 10 ngày bắt đầu bén rễ. Theo tính toán, bình quân mỗi sào rau vụ đông sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi 7 triệu đồng.
Ông Quang cho biết: Sản xuất vụ đông tuy vất vả, do thời tiết phức tạp, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao, vì vậy gia đình tôi luôn chú trọng sản xuất theo khung thời vụ và thường tận dụng hết diện tích, không để đất trống.
Đồng chí Trần Trung Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thắng cho biết: Toàn xã có hơn 30ha diện tích đất màu. Mưa lũ sau bão số 3 vừa qua gây ngập úng thiệt hại hơn 10ha hoa màu trên địa bàn xã. Để đảm bảo cho sản xuất vụ đông đạt hiệu quả, ngay sau khi nước rút, đất khô, xã đôn đốc bà con nhanh chóng bắt tay vào việc làm đất để trồng các loại cây vụ đông, bù đắp diện tích đã bị thiệt hại. Đến thời điểm này, toàn xã gieo trồng cơ bản diện tích, trong đó chủ yếu là cà chua, dưa chuột, mướp đắng, mướp canh, rau các loại...
Để nâng cao năng suất mùa vụ và thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bà con nông dân đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng chuyên canh và đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Tương tự tại thị trấn Me (Gia Viễn), sau cơn bão số 3, một số diện tích bị ngập gây khó khăn cho việc sản xuất. Tuy nhiên bà con nông dân đã khẩn trương hoàn thành các điều kiện để gieo trồng các loại cây vụ đông trên địa bàn. Với diện tích gieo trồng 15ha, cây cà chua, dưa chuột, rau các loại vẫn là cây trồng chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nơi đây.
Đang nhanh tay hái những quả dưa chuột xanh mướt, ông Chu Văn Giá, ở phố Mỹ Cát, thị trấn Me cho biết: Gia đình tôi trồng 6 sào rau màu, trong đó có 3 sào cà chua, 2 sào dưa chuột, 1 sào bắp cải. Dưa chuột là loại cây truyền thống, gia đình tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm, nên việc trồng và chăm sóc khá dễ dàng. So với các cây trồng khác thì dưa chuột là loại cây dễ trồng, tuy nhiên để có năng suất cao, cần phải chú ý đến khâu chọn giống và chăm sóc, phải làm giàn cho dưa leo, tỉa lá già ở gốc để hạn chế sâu bệnh và thu hái nhanh những quả đã đến kỳ thu hoạch để cây khoẻ và cho nhiều quả.
Từ năm ngoái tôi chuyển sang trồng giống dưa chuột Thái Lan, so với dưa chuột trước đây, thì dưa chuột Thái Lan có năng suất cao hơn từ 1,5-2 lần, thời gian sinh trưởng ngắn chỉ khoảng 35 ngày sau gieo hạt là có thể thu hoạch. Với 2 sào dưa chuột đang cho thu hoạch, năng suất từ 1,8-2 tấn/sào, giá bán 8-10 nghìn/kg, gia đình tôi thu lãi khoảng 15 triệu đồng/sào.
Tại xã Gia Hưng (Gia Viễn), nhiều năm nay, cây ngô, đã trở thành cây trồng chủ lực của bà con nông dân nơi đây. Với hơn 12ha cây trồng vụ đông thì cây ngô chiếm đến 10ha, diện tích còn lại là khoai lang và các loại rau màu khác. Để triển khai sản xuất cây vụ đông đạt hiệu quả, xã đã chỉ đạo, đôn đốc bà con nhanh chóng làm đất, chuẩn bị các điều kiện để sản xuất vụ đông.
Đến thời điểm này, đã gieo trồng xong diện tích cây ngô, bà con nông dân đang bước vào giai đoạn chăm sóc và chuẩn bị phun phòng nấm, sâu bệnh để cây phát triển tốt. Theo kế hoạch, vụ đông năm nay, huyện Gia Viễn gieo trồng 750 ha. Trong đó có 50ha ngô; 20ha khoai lang; 45ha cà chua, còn lại là rau màu và các loại cây trồng khác.
Tính đến thời điểm này, toàn huyện gieo trồng được gần 300ha, nhiều xã đã triển khai được diện tích khá như Gia Thắng, Gia Hưng, Gia Phú, thị trấn Me…
Để sản xuất vụ đông đạt hiệu quả, huyện Gia Viễn đã xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất; chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các xã, thị trấn nhanh chóng khôi phục sản xuất sau bão số 3, đặc biệt là những diện tích bị ngập úng do mưa lũ sau bão. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất vụ đông, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Trong đó đôn đốc bà con tranh thủ thu hoạch diện tích lúa Mùa đã chín, giải phóng đất sớm để trồng cây vụ đông; mở rộng tối đa diện tích cây vụ đông nhằm bù đắp thiệt hại do thiên tai gây ra theo phương châm “có đất trống đến đâu gieo trồng đến đó”; bám sát khung thời vụ và diễn biến thời tiết để điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp. Đồng thời áp dụng linh hoạt các phương thức làm đất, gieo trồng để tranh thủ thời vụ, mở rộng diện tích cây vụ đông ưa ấm còn thời vụ, như cây ngô, khoai lang; phát triển nhóm cây vụ đông ưa lạnh có lợi thế và có thị trường tiêu thụ tốt như cà chua, su hào, bắp cải…
Để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, huyện Gia Viễn chỉ đạo ngành Nông nghiệp huyện tích cực tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình canh tác tiết kiệm vật tư đầu vào, thời gian và công lao động để tăng hiệu quả kinh tế; chủ động phòng chống sâu bệnh trên cây trồng. Cùng với đó chỉ đạo các đơn vị cung ứng đầy đủ vật tư nông nghiệp, giống, phân bón chất lượng tốt, đồng thời làm tốt công tác giao thông, thuỷ lợi phục vụ bà con nông dân yên tâm sản xuất.
Đồng chí Bùi Phú Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Viễn cho biết: Để nâng cao hiệu quả kinh tế, ngành Nông nghiệp huyện đã cùng với các địa phương tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, lựa chọn giống cây trồng có năng suất cao, ổn định, có khả năng chống chịu khá; luân canh đa dạng các loại cây trồng.
Đặc biệt khuyến cáo bà con áp dụng kỹ thuật tổng hợp đối với từng loại cây trồng trong khung thời vụ để phát huy hiệu quả; thực hiện bón phân, tưới nước phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, tạo điều kiện thuân lợi để cây trồng phát triển tốt.
Hiện nay, huyện tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và tình hình sâu bệnh hại để kịp thời các biện pháp ứng phó, phòng trừ, bảo đảm sản xuất vụ đông thắng lợi.