Là địa bàn xung yếu nên hàng năm công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn luôn được các cấp, các ngành, nhân dân trong huyện đặt lên hàng đầu. Năm 2008, Gia Viễn đã làm tốt công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm "4 tại chỗ". Công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện tương đối đầy đủ, có kế hoạch cụ thể cho từng phương án, đảm bảo chủ động trong mọi tình huống có thể xảy ra. Xây dựng các phương án chủ động di dân, sơ tán tài sản đến nơi an toàn, đặc biệt là vùng phân lũ; xây dựng kế hoạch, phương án vận hành tràn Lạc Khoái khi có lệnh. Trên các tuyến đê, huyện đã chuẩn bị 6.962 m3 đá dự trữ tại các điểm xung yếu, trên 2.500 m3 đất đá dự trữ tại các cống dưới đê, âu, tràn; 6 nghìn bao tải; hàng trăm phao cứu sinh, nhà bạt, xuồng máy, tàu thuyền...
Các xã, thị trấn đều tổ chức 1 đội xung kích 100 người, hợp đồng mua tại chỗ hàng nghìn cây tre, mỗi hộ gia đình đều chuẩn bị bao tải đất, cọc tre, lương thực, thực phẩm, chất đốt, sẵn sàng sơ tán người, tài sản khi có lũ lụt. Việc giữ thành công tràn Lạc Khoái và các tuyến đê trong đợt lũ cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm vừa qua là một minh chứng cho công tác chuẩn bị phòng, chống lụt bão có kết quả của tỉnh và huyện. Đây cũng là bài học kinh nghiệm để huyện tiếp tục xây dựng phương án phòng, chống lụt bão trong thời gian tới.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, trong năm 2009, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng hoạt động sớm và ảnh hưởng nhiều hơn đến nước ta so với năm 2008. Ở khu vực Bắc bộ, lượng mưa có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm, diễn biến phức tạp, khó lường, đỉnh lũ cao nhất năm trên các sông chính ở Bắc bộ có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 7 và cuối tháng 8. Điều này đã đặt ra cho Gia Viễn nhiệm vụ cấp thiết phải tích cực chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để chủ động đối phó bão lũ có thể xảy ra.
Đồng chí Trương Cộng Hòa, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để chủ động phòng, chống lụt bão, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của tỉnh, của ngành, trên cơ sở thực tiễn tại địa phương, huyện đang khẩn trương xây dựng và triển khai các bước, các phần việc cụ thể trong phương án phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Phương châm của huyện là "chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương".
Huyện đã tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2008, triển khai nhiệm vụ năm 2009; hợp đồng lực lượng, phương tiện ứng cứu với các đơn vị quân đội; triển khai xây dựng các phương án phòng, chống lụt bão năm 2009, phân công công việc cụ thể cho các thành viên; chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị xây dựng phương án cụ thể của từng đơn vị; chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phòng, chống lụt bão.
Qua kiểm tra hiện trạng công trình chống lũ (đê, kè, cống), các tuyến đê trên địa bàn huyện như đê tả, hữu Hoàng Long, đê hữu sông Đáy, đê Đầm Cút đều đảm bảo cao trình chống lũ, tuy nhiên có một số âu, cống, kè trên các tuyến đê bị rò rỉ, thân ngắn so với thân đê, hệ thống dàn van nhiều chỗ bị hỏng không đảm bảo chống lũ. Là địa bàn đặc biệt nên Gia Viễn đã phải luôn chủ động trong các phương án phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo thực hiện an toàn theo quy định về chống lũ cho các tuyến đê theo mực nước thiết kế, bảo vệ an toàn cho người và tài sản.
Năm nay, UBND huyện xác định điểm xung yếu là cống Cầu Thần, cống Đồng Chưa, cống Gia Tiến và đập tràn Lạc Khoái. UBND huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các phân ban, trong đó phân ban I phụ trách, điều hành đảm bảo an toàn cống Cầu Thần, cống Tân Hưng; phân ban II phụ trách cống Đồng Chưa, cống Gia Tiến; phân ban III đảm bảo ở đập tràn Lạc Khoái. Đồng thời yêu cầu các phân ban khi có sự cố phải khẩn trương điều động lực lượng, phương tiện, vật tư ứng cứu kịp thời và báo cáo ngay về UBND huyện để chi viện vật tư, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống lụt bão.
Riêng về phương án di dân vùng phân lũ, chậm lũ khi có lệnh xả tràn Lạc Khoái, huyện xây dựng kế hoạch huy động lực lượng di dân tại địa phương, ở khu tả 300 người, khu hữu 300 người và các lực lượng quân đội hiệp đồng là 150 người. Phương tiện di dân và cứu hộ gồm 5 xuồng cứu hộ, 16 thuyền máy, 14 ô tô tải, 45 xe tải nhẹ, hàng trăm phao cứu sinh và nhà bạt, máy phát điện. Địa điểm sơ tán dân dự định bố trí ở các đồi, điểm cao như nhà tầng, đê, ven núi.
Với vùng xả tràn, vận động mỗi hộ dân chuẩn bị một thuyền nan phục vụ việc đi lại, chuẩn bị lương thực, chất đốt trong 7 ngày. Trước khi xả tràn, phải thông báo cho nhân dân biết từ 4-6 giờ để chuẩn bị di dời. Trong phòng, chống bão lũ, các phòng, ban, ngành, các xã, thị trấn phải sẵn sàng mọi điều kiện lực lượng, vật tư theo đúng phương án đã xây dựng đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, cơ động trong mọi điều kiện khi có lệnh; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các phần việc còn chậm chễ.
Với sự chỉ đạo nghiêm túc, kiên quyết, phương án phòng, chống sát thực, công tác chuẩn bị chu đáo, đầy đủ về phương tiện, lực lượng..., công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của Gia Viễn trong mùa mưa bão năm 2009 sẽ đảm bảo theo đúng yêu cầu đặt ra.
Hoàng Tâm