Năm 2022, huyện Gia Viễn đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,97% (năm 2021) xuống còn 2,35%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Bước vào năm 2023, với nguồn ngân sách được tỉnh giao để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Gia Viễn đang thận trọng, linh hoạt để tìm phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, thực sự tạo đà để người nghèo vươn lên.
Gia Viễn chủ động trong công tác giảm nghèo
Về thăm xã Gia Lạc những ngày cuối năm 2022, mảnh đất được coi là vùng "rốn lũ" của huyện Gia Viễn ngày càng thay da đổi thịt. Những ngôi nhà cao tầng, mái ngói đỏ tươi thấp thoáng sau vườn cây sum suê quả ngọt. Những tuyến đường bê tông phẳng lì, những công trình phục vụ dân sinh khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt cộng đồng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.... Gia Lạc đang chạy những bước đà quan trọng để vươn lên trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.
Đồng chí An Thị Mùi, Bí thư Đảng ủy xã Gia Lạc cho biết: Xác định rõ, để tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống thì không có cách nào khác là phải tạo sinh kế cho họ. Những biện pháp hỗ trợ cũng được thực hiện theo hướng "trao cần câu hơn xâu cá", để người nghèo có công cụ sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Với cách làm đó, trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của xã Gia Lạc giảm mạnh. Từ 70 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,12%, 79 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,66% vào cuối năm 2021; đến cuối năm 2022, xã Gia Lạc đã giảm còn 50 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,2%, 45 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,89%.
Gia đình bà Trần Thị Sử, sinh năm 1960, ở xóm Mai Sơn 1 là một trong 20 hộ đã thoát nghèo trong năm 2022 này. Mặc dù hoàn cảnh khá đặc biệt, nhưng nhờ tận dụng tốt các cơ hội từ chính sách và các nguồn lực hỗ trợ của địa phương, bà Sử đã vươn lên thoát nghèo khi đã bước vào tuổi ngoài 60.
Bà Sử cho biết: Tôi không lập gia đình mà ở cùng với mẹ già gần 90 tuổi, sức khỏe yếu. Được sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là được tham gia vào Dự án hỗ trợ chăn nuôi để phát triển kinh tế do phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai, tôi được hỗ trợ 1 con bò, đồng thời được hướng dẫn cách chăm sóc để con nuôi phát triển khỏe mạnh.
Đến nay, con bò được tặng đã bắt đầu sinh sản, tôi sẽ cố gắng chăm sóc thật tốt để nhân rộng đàn bò. Vừa qua, tôi đã tình nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Tôi tin, với sự hỗ trợ phù hợp từ các chính sách của Nhà nước, địa phương, cuộc sống của gia đình tôi sẽ dần ổn định.
Huyện Gia Viễn hiện có gần 18 nghìn lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp.
Trong những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân huyện Gia Viễn đặc biệt quan tâm, tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện.
Nhằm tạo điều kiện, nguồn lực, động lực để người nghèo vươn lên, huyện Gia Viễn còn đặc biệt chú trọng tới các hoạt động nhằm đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế.
Người nghèo, cận nghèo được tiếp cận với các nguồn lực, chính sách, các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin...
Cụ thể như, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có đủ điều kiện, có nhu cầu đều được giải quyết vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Tính đến nay, có 1.734 hộ vay, số tiền 84,820 tỷ đồng; có 918 dự án vay vốn giải quyết việc làm, doanh số cho vay 48,494 tỷ đồng.
Năm 2022, có 1.112 lượt học sinh con hộ nghèo, cận nghèo được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, với tổng kinh phí 1,112 tỷ đồng; cấp 2.947 thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 1178 hộ nghèo, với kinh phí 779 triệu đồng...
Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Từ năm 2022, huyện Gia Viễn được UBND tỉnh phân bổ 4,057 tỷ đồng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Căn cứ vào nguồn vốn được tỉnh phân bổ, huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn xây dựng triển khai thực hiện các chương trình dự án giảm nghèo, trong đó có các dự án: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo; nâng cao năng lực và giám sát đánh giá chương trình...Các dự án đang trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt 2 dự án là Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và Hỗ trợ phát triển sản xuất đang trong quá trình khảo sát đối tượng tham gia. Đối tượng tham gia dự án là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo năm 2022, có điều kiện về lao động, chuồng trại và vốn đối ứng để tham gia dự án. Hộ dân sẽ được cung cấp con giống, các kiến thức kỹ năng chăn nuôi. Hỗ trợ từ dự án sẽ là nguồn lực giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về giảm nghèo bền vững, huyện Gia Viễn cũng chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường đối thoại, tiếp xúc với hộ nghèo, cận nghèo; tuyên truyền, phổ biến chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước và địa phương tới người nghèo, đồng thời tiếp thu, giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị, các vấn đề thắc mắc, tồn tại ở cơ sở.
Từ đó, tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền trong triển khai các nhiệm vụ thực hiện mục tiêu chương trình giảm nghèo; đưa chính sách hỗ trợ giảm nghèo vào cuộc sống nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.