Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Gia Viễn cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 853 nạn nhân chất độc da cam đang được hưởng chế độ, trong đó 593 người là nạn nhân trực tiếp, 312 người là nạn nhân gián tiếp. Những năm qua, các cấp Hội luôn vận động các nguồn lực xã hội cùng chung tay chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân da cam. Bằng nhiều sự chia sẻ của cộng đồng mà các gia đình nạn nhân da cam đã giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Ánh, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ xây dựng nhà ở thôn An Thái, xã Gia Trung. Ngôi nhà tình nghĩa của gia đình ông Ánh được khởi công đầu tháng 7 do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng. Đến nay, ngôi nhà sắp sửa hoàn thành.
Ông Ánh vui mừng chia sẻ: "Nếu không được các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và các nhà hảo tâm hỗ trợ, gia đình tôi không biết bao giờ đủ tiền để xây ngôi nhà khang trang như này. Nhà mới sắp xong, gia đình tôi vui lắm, chúng tôi sẽ không còn phải sống trong cảnh nhà dột nát nữa. Bên cạnh giúp đỡ xây nhà, thời gian qua Hội còn thường xuyên thăm, tặng quà cho gia đình vào các ngày lễ. Qua sự chia sẻ, động viên đó, tôi được tiếp thêm nghị lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống".
Ông Trần Văn Dự, 65 tuổi, một nạn nhân da cam ở thôn đường 477, xã Gia Phú là một trong những điển hình nạn nhân da cam vượt khó vươn lên. Năm 2002, từ nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất hơn 20 triệu đồng của các cấp Hội nạn nhân chất độc da cam, ông Dự đã mở rộng được mô hình phát triển kinh tế VAC nuôi lợn, cá, trồng cây ăn quả, hoa và rau màu.
"Nhờ sự giúp đỡ của các cấp Hội mà đến nay mô hình VAC của gia đình tôi mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng, thu nhập ổn định hơn trước gia đình tôi cũng bớt đi khó khăn rất nhiều", ông Dự vui mừng nói.
Không chỉ gia đình ông Ánh, ông Dự, mà nhiều trường hợp bị nhiễm chất độc da cam/dioxin khác cũng đã được Hội động viên, giúp đỡ. Từ năm 2016 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện đã tiếp nhận và trao tặng 13.977 suất quà với tổng số tiền trên 2.3 tỉ đồng; làm mới, sửa chữa 24 ngôi nhà cho nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 1,1 tỉ đồng; hỗ trợ vốn vay 45 triệu đồng cho 5 hội viên đặc biệt khó khăn vay không lấy lãi để phát triển kinh tế.
Bên cạnh các hoạt động giúp đỡ về vật chất, Hội còn tích cực chăm lo về tinh thần cho các hội viên như tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các nạn nhân, hỗ trợ khi nạn nhân ốm đau phải chuyển tuyến điều trị… Thông qua hoạt động của Hội, đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ bằng nhiều hình thức như dạy nghề, tạo việc làm cho những nạn nhân còn khả năng lao động.
Không chỉ chú trọng giúp hội viên về đời sống vật chất và tinh thần, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Gia Viễn còn làm tốt công tác bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân da cam, chủ động phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị giám định người phơi nhiễm chất độc da cam được hưởng chế độ.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Gia Viễn cho biết thêm: Thời gian tới, Hội tiếp tục tăng cường thêm các nguồn lực để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, cung cấp các phương tiện, dụng cụ để trợ giúp cho những nạn nhân bị bệnh tật nặng. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp đỡ nạn nhân tiếp cận các chính sách ưu đãi về phát triển kinh tế. Qua đó, tạo nguồn thu nhập ổn định lâu dài, nâng cao mức sống cho nạn nhân chất độc da cam.
Bài, ảnh: Mạnh Tuấn