Theo báo cáo của Sở Công Thương, giá trị xuất khẩu tháng 8 ước đạt gần 261,5 triệu USD, giảm 6,6% so với tháng 8 năm 2020. Tuy nhiên, lũy kế giá trị xuất khẩu 8 tháng của tỉnh ước đạt gần 1.783,8 triệu USD, vẫn tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: quần áo các loại đạt 242,9 triệu USD; xi măng, clanke đạt 392,1 triệu USD; giày, dép các loại đạt 383,3 triệu USD; camera và linh kiện 555,2 triệu USD; linh kiện điện tử 38,7 triệu USD; phân urê 18,3 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, đây là tháng đầu tiên Ninh Bình ghi nhận nhập siêu. Tổng giá trị nhập khẩu tháng 8 ước đạt trên 319,9 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế giá trị nhập khẩu 8 tháng năm nay ước đạt gần 2.072,8 triệu USD, tăng 5,6% so với 8 tháng năm 2020. Trong đó, giá trị các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: linh kiện điện tử 547 triệu USD; linh kiện, phụ tùng ô tô các loại 848,8 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày, dép 284,1 triệu USD; vải và phụ liệu may mặc 101 triệu USD; ô tô 43,2 triệu USD; phế liệu sắt thép 97,1 triệu USD.
Qua con số xuất, nhập khẩu trên cũng cho thấy lợi thế đang nghiêng về các doanh nghiệp FDI. Phần lớn các mặt hàng xuất, nhập khẩu có giá trị lớn đều thuộc về các mặt hàng linh kiện điện tử, giày dép các loại, hàng may mặc... Đối với các nhóm hàng như chế biến nông sản, thủ công mỹ nghệ, giá trị xuất khẩu giảm sút nguyên nhân do khó khăn trong khâu logistics.
Ông Phạm Đăng Khuyến, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu và đầu tư Thành Hóa chia sẻ: Doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đang "ngồi trên đống lửa" vì tình trạng giá cước vận chuyển tăng quá cao, thiếu container rỗng để xuất hàng dẫn đến hàng tồn kho tăng trong khi đó khách hàng đối tác liên tục thúc thời gian giao hàng theo đúng quy định. Hiện nay, lượng hàng tồn kho của Công ty lên đến hàng chục tỷ đồng. Công ty đã phải tăng cường thêm kho bảo ôn để bảo quản hàng hóa chưa xuất được, tránh xuống cấp. Chi phí cho bảo quản, kho bãi và tiền lãi vay ngân hàng... sẽ tăng lên khoảng 10-15% so với chi phí thông thường. Chính vì vậy, doanh nghiệp đang cho một số làng nghề tạm nghỉ việc và không dám nhận thêm đơn hàng mới.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ổn định trở lại trong những tháng cuối năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh, Bắc Ireland (UKVFTA). Đồng thời, tỉnh đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp tận dụng có hiệu quả lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại, góp phần quan trọng khuyến khích, đẩy mạnh xuất khẩu.
Sở Công Thương cũng đã phối hợp cung cấp số liệu Hỗ trợ nông nghiệp trong nước và trợ cấp xuất khẩu nông sản giai đoạn 2020-2021 cho WTO theo đề nghị Bộ Nông Nghiệp và PTNT để rà soát những khó khăn cũng như có giải pháp hỗ trợ đối với doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng chế biến nông sản. Đồng thời hỗ trợ 5 đơn vị xây dựng website và tham gia sàn giao dịch toàn cầu. Củng cố, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; chủ động, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu nhằm tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.
Phòng Quản lý xuất, nhập khẩu đã tiếp nhận và cấp 474 bộ C/O trong tháng 8 để tạo điều kiện rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận. Sở cũng triển khai kế hoạch phát triển xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: Bảo Yến