Ông Đinh Trọng Khang, Bí thư Chi bộ xóm Chùa cho biết: Gia Thủy là xã có truyền thống trồng rau màu song trước đây, các hộ dân chỉ trồng một số loại rau truyền thống cung cấp cho thị trường các xã xung quanh với diện tích ít, mỗi gia đình chỉ có vài ba sào, đến nay nhiều hộ đã phát triển theo hướng chuyên canh, sản xuất rau hàng hóa, tập trung với số lượng lớn, đa dạng từ các loại rau giống, rau ăn lá, lấy củ... Đặc biệt, vài năm trở lại đây, với sự hỗ trợ của Trạm trồng trọt huyện Nho Quan và Hội Phụ nữ tỉnh, bà con đã được cập nhật kiến thức, kỹ thuật trồng và tiêu thụ rau an toàn. Những mô hình trồng rau an toàn bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, tạo niềm tin và sự phấn khởi cho các hộ tham gia.
Gia đình ông Đinh Quang Cẩn là một trong những hộ đầu tiên ở xóm Chùa chuyển đổi từ trồng rau truyền thống sang trồng rau an toàn. Hơn 3 sào đất với đủ các loại rau, củ theo mùa đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập hiệu quả gấp 4 lần trồng lúa. "Chúng tôi được Hội Phụ nữ tỉnh phối hợp với Trạm Trồng trọt của huyện hỗ trợ xây dựng các bể ủ phân sinh học; được hướng dẫn cách trồng rau, cách sử dụng thuốc trừ sâu an toàn, cách ủ phân sinh học… nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, bằng những kiến thức được truyền đạt và hướng dẫn cụ thể theo kiểu cầm tay chỉ việc nên chúng tôi đã bắt đầu thu hoạch những vụ rau an toàn đầu tiên. Gia đình tôi vừa mới thu hoạch xong vụ bí, mướp, lặc lày… Hiện nay, đang chăm sóc rau cải các loại và sẽ thu hoạch trong hơn một tuần nữa. Hiện, các thương lái đã tìm về tận nơi để đặt hàng, vì vậy chúng tôi không phải lo lắng về đầu ra cho sản phẩm. Nhìn chung, sản xuất rau an toàn thì người nông dân cũng vẫn phải suốt ngày ở ngoài đồng để chăm sóc rau, nhưng hiệu quả mang lại cao hơn nên ai cũng phấn khởi. Trung bình, mỗi sào rau cho thu nhập từ 6-7 triệu đồng/vụ. Hiệu quả thấy rõ, chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng thêm diện tích để trồng rau an toàn "- ông Đinh Quang Cẩn vui vẻ nói.
Không chỉ trồng rau thương phẩm, bà con xóm Chùa còn trồng rau giống để cung cấp thị trường trong và ngoài huyện. Với nghề nông, có lẽ sản xuất rau giống đem lại hiệu quả cao nhất, bởi vốn đầu tư không nhiều mà đầu ra ổn định, ít rủi ro hơn so với trồng rau thương phẩm. Tuy nhiên, để sản xuất được rau giống thì đòi hỏi người nông dân phải nắm được nhiều kỹ thuật. Gia đình bà Mai là một trong những hộ đi đầu trong trồng rau giống ở xóm Chùa. Theo bà Mai, để có cây giống tốt và bán được cho khách hàng thì trước hết cây phải đạt chất lượng, ngoài ra, còn phải tư vấn cho khách hàng cách chọn giống, thậm chí phải đến tận vườn của họ để xem đất rồi hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc rau sao cho đảm bảo nhất.
Đồng chí Đinh Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thủy cho biết: Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp thì Gia Thủy vẫn đặt nhiệm vụ trọng tâm vào phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giúp người dân nâng cao hiệu quả trên một đơn vị canh tác. Trong đó nổi bật là mô hình trồng rau an toàn ở xóm Chùa. Tuy mới triển khai, song mô hình sản xuất rau an toàn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Khi bắt đầu triển khai, xã luôn giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất rau của bà con nhằm tuân thủ theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng. Từ hiệu quả mô hình trồng rau an toàn ở xóm Chùa, xã đang vận động các xóm còn lại cũng chuyển đổi từ trồng rau truyền thống sang trồng rau an toàn cho sản phẩm với mức giá cao hơn, từng bước đưa nông sản sạch của Gia Thủy vào các nhà hàng, siêu thị và cung cấp tới đông đảo người tiêu dùng… Trước mắt, xã phấn đấu thành lập tổ hợp trồng rau an toàn xóm Chùa để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau củ nơi đây. Năm 2018, xã Gia Thủy phấn đấu mở rộng diện tích trồng rau an toàn lên 7 ha. Hiện nay, bà con nông dân xóm Mỹ Thượng cũng đã bắt đầu chuyển đổi 2ha từ trồng rau truyền thống sang trồng rau an toàn. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động bà con đổi ruộng cho nhau để mở rộng diện tích trồng rau an toàn.
Bài, ảnh: Đào Hằng