Khảo sát của Sở Công thương tại một số chợ trên địa bàn thành phố Ninh Bình cho thấy giá thịt lợn tăng nhanh nhất là từ đầu tháng 11 đến nay. Mức giá hiện tại trung bình khoảng 130-150 nghìn đồng/kg, trong đó thịt lợn ba chỉ 130.000 đồng/kg; thịt lợn mông 140.000 đồng/kg; thịt lợn nạc vai 140.000 đồng/kg, sườn lợn 150.000 đồng/kg... tăng so với đầu tháng từ 10-20 nghìn đồng/kg. Tại các siêu thị, các cửa hàng tiện ích bán thực phẩm sạch, giá thịt lợn từ 150-170 nghìn đồng/kg
Ghi nhận của phóng viên tại chợ Tân Thành (thành phố Ninh Bình), ngày thường, tại đây có hàng chục quầy thịt lợn tươi phục vụ người tiêu dùng, nhưng mấy hôm nay, số quầy thịt lợn đã giảm khá nhiều. Giá thịt lợn liên tục tăng là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.
Chị Thúy, một chủ hàng thịt lợn tại đây cho biết: Từ đầu tháng 11 đến nay, nguồn cung lợn hơi trong dân rất khan hiếm, chúng tôi phải vào các khu dân cư tìm mua từng con một với giá cao và mua lợn no chứ không cân lợn đói như trước kia.
Tuy giá cao nhưng các trang trại và người dân cũng không bán ra ồ ạt mà cân đối xuất hàng cho phù hợp để chờ tăng giá. Nhiều chủ hàng do không tìm được nguồn cung đã bỏ bán thịt lợn chuyển sang kinh doanh tạm thời các mặt hàng khác.
Không chỉ tăng giá, người tiêu dùng cũng không có nhiều sự lựa chọn để mua hàng. Chị Liên, phường Đông Thành đang đi chọn thịt lợn ở chợ Trung Nhì, phường Tân Thành cho biết: "Nhà tôi làm hàng ăn. Ngày trước đi gom thịt về làm hàng tương đối dễ dàng nhưng trong vòng 1 tuần nay, việc mua thịt tại các khu chợ đầu mối rất khó khăn. Tôi phải đi từ sớm, tranh giành mãi mới mua đủ số lượng mình cần". Kể cả những khách hàng tiêu dùng hàng ngày nếu không đi chợ sớm cũng khó có thể tìm mua được thịt lợn ngon như ý.
Cũng theo khảo sát từ các thương lái ở chợ trên địa bàn thành phố Ninh Bình, hiện giá lợn hơi tăng cao với mức trung bình trên 60 nghìn đồng/kg, có những ngày giá lợn đã lên cao gần 70 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân chính được cho rằng do dịch tả lợn châu Phi nên người dân hạn chế nuôi lợn và tái đàn khiến nguồn cung thịt giảm.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy toàn tỉnh đã phải tiêu hủy 100.602 con với tổng trọng lượng 5.857.585 kg lợn hơi. Dịch bệnh đã làm tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đã giảm 160 nghìn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 54 nghìn tấn, giảm 6,9% so với cùng kỳ. Ngoài ra, một số thương lái sau khi đi thu gom lợn cũng cho rằng, hiện một số cơ sở nuôi lớn trên địa bàn tỉnh có hiện tượng giữ hàng để tăng giá bán khiến giá lợn hơi trên thị trường "leo thang".
Theo dự báo từ cơ quan chức năng và các trang trại, dịp Tết Nguyên đán năm nay, giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng cao. Một chủ trang trại lợn với quy mô lớn tại Yên Mô cho rằng, với đà tăng giá như hiện nay cộng với nhu cầu tiêu thụ lớn trong dịp Tết thì giá thịt lợn hơi cuối năm có thể tăng lên trên 70.000 đồng/kg. Đây sẽ là mức giá kỷ lục trong nhiều năm gần đây.
Theo thông tin từ Sở Công thương, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, ngày 21/10, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị 12/CT-BCT, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn.
Do đó, Sở Công thương sẽ chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan có phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn khi có nhu cầu. Đồng thời, Sở Công thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường thịt lợn để kịp thời có phương án điều hành thị trường hiệu quả.
Trước sức ép nguồn cung thịt lợn thiếu hụt trên phạm vi rộng đẩy giá lợn tăng cao chưa từng có, ngành nông nghiệp cũng đã tham mưu với UBND tỉnh thực hiện các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch, ban hành chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất; hỗ trợ chuyển hướng chăn nuôi đúng hướng, kịp thời. Hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy mô đàn gia súc, gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường và diễn biến dịch tả lợn châu Phi.
Bảo Yến