Không chỉ riêng dưa bở, mà mấy năm trở lại đây, do làm tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên nhiều hộ nông dân ở Gia Thắng đã có giá trị thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Đây là hướng đi giúp người nông dân Gia Thắng có thể thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay tại quê hương.
Đồng chí Phạm Trung Tính, Chủ tịch UBND xã cho biết: Gia Thắng luôn nỗ lực, đề ra nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương để huy động người dân, nhất là hộ nghèo tích cực tham gia lao động sản xuất để xóa đói, giảm nghèo. Hàng năm, trước các vụ sản xuất, xã đều phối hợp với phòng Nông nghiệp huyện để tập huấn, chuyển giao KHKT cho người nông dân với mục đích giúp người dân có thêm kinh nghiệm, kiến thức để sản xuất nông nghiệp. Xác định rõ lợi thế của địa phương trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng cây màu, xã đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất những cây, con có giá trị kinh tế đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Như cây dưa bở là cây trồng truyền thống của xã, ngay sau vụ dưa chính vụ, bà con nông dân trong xã lại tiếp tục làm vụ dưa tái vụ với diện tích 40 mẫu. Tuy thời gian thu hoạch ngắn hơn nhưng năng suất của dưa tái vụ cũng đạt khá, khoảng 1,5 triệu đồng/sào. Dưa bở ở Gia Thắng được nhiều nơi biết đến nên đến vụ thu hoạch, xe ô tô của thương lái từ Hà Nội, Nam Định... về tận ruộng để thu mua, người trồng không phải mang dưa đi bán lẻ. Ngoài cây dưa bở, Gia Thắng còn trồng nhiều cây rau, màu có giá trị khác như: dưa chuột, bí xanh, cà chua, mướp đắng... Diện tích cây trồng vụ đông luân phiên của xã đến nay đạt 153 ha, cho thu nhập khoảng 3,7 tỷ đồng/năm. Một số diện tích trồng lúa cho năng suất thấp đã được bà con chuyển đổi sang trồng màu. Như năm 2010 đã có 18 ha được chuyển đổi sang trồng cây hàng hóa cho giá trị kinh tế cao. Với sự quay vòng của đồng đất như vậy đã góp phần thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động địa phương. Bên cạnh đó, xã đã tập trung làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, tránh để ruộng đất manh mún, gây khó khăn trong sản xuất. Đến nay, tính trung bình mỗi hộ còn khoảng 6-7 thửa, giảm mạnh so với trước từ 14-15 thửa/hộ. Ruộng đất được tập trung đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở địa phương theo hướng tích cực, hiệu quả.
Trong câu chuyện làm giàu của người nông dân Gia Thắng còn nhắc đến những con nuôi đặc sản cho giá trị kinh tế cao mới được đưa vào nuôi trồng như tôm càng xanh và cá trắm đen. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của xã đến nay đạt 45 ha, thu hút hơn 30 hộ tham gia sản xuất, giá trị thu hoạch cao, trung bình khoảng 30 - 40 triệu đồng/vụ, hộ có thu hoạch cao đạt tới 100 triệu đồng/vụ. Vụ sản xuất năm nay, toàn xã đã xuống giống được 70 vạn con tôm giống càng xanh xen lúa và 20.000 con cá trắm đen. Theo nhiều hộ nuôi trồng thủy sản, nuôi cá trắm đen thuận lợi hơn so với nuôi tôm càng xanh vì tỷ lệ mắc bệnh của cá thấp, đầu ra lại dễ dàng, được các thương lái về tận nơi đặt hàng. Với những bước chuyển đáng kể trong sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân Gia Thắng đã có nhiều khởi sắc. Xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10,11% (năm 2010) xuống dưới 10% vào cuối năm 2011.
Lý Nhân