Thôn Đào Lâm là thôn đầu tiên ở xã Gia Thắng vừa khởi công xây dựng nhà văn hóa. Ngày nào ông trưởng thôn Nguyễn Văn Hùng cũng ra kiểm tra và đôn đốc thợ đảm bảo tiến độ để công trình được khánh thành trong thời gian sớm nhất. Bà Phạm Thị Hương, ở xóm 2, thôn Đào Lâm chia sẻ, từ bao năm nay, có được ngôi nhà văn hóa khang trang là ước mơ của người dân trong thôn nói riêng, của cả xã Gia Thắng nói chung. Mong muốn là vậy, song do hoàn cảnh kinh tế của các gia đình còn khó khăn nên mặc dù nhiều lần thôn đưa ra bàn bạc, song vẫn chưa thống nhất được phương án đóng góp kinh phí. Bây giờ, cuộc sống của bà con đã được cải thiện nhiều, lại đúng thời điểm địa phương đang ra sức phấn đấu về đích nông thôn mới nên khi Ban công tác Mặt trận thôn họp và đề xuất phương án xây dựng nhà văn hóa thì mọi người dân đều đồng lòng, hồ hởi góp công, góp của để xây dựng.
Dẫn chúng tôi đi một vòng xung quanh khu nhà văn hóa cũ, Trưởng thôn Nguyễn Văn Hùng giới thiệu: Dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng này chính là "ngôi nhà chung" của thôn từ nhiều năm nay. Dãy nhà này được tận dụng lại của trường mầm non, hiện nay nhiều mảng ngói đã bị vỡ, bị dột sau mỗi trận mưa; những mảng tường bong tróc, nứt nẻ nên để đảm bảo an toàn, thôn không dám sử dụng điện ở nhà văn hóa. Bao nhiêu năm nay, do tình trạng nhà văn hóa xuống cấp nên địa phương không tổ chức được các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… đời sống tinh thần của bà con cũng có phần hạn chế. Việc họp thôn để phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết của tỉnh, của huyện… cũng phải tranh thủ vào những hôm thời tiết thuận lợi. Song, tội nhất vẫn là trẻ em trong xóm. Vì không có nhà văn hóa khang trang nên địa phương cũng không thể tổ chức các hoạt động hè cho các cháu. Vì vậy, khi nhà văn hóa thôn khởi công thì không chỉ người lớn mà bọn trẻ cũng phấn chấn hẳn. Nhà văn hóa dự kiến được xây dựng với tổng kinh phí khoảng 400 triệu đồng. "Trước mắt, thôn mới tiến hành thu đợt 1 với mức đóng góp 100 nghìn đồng/khẩu. Riêng cán bộ, đảng viên sẽ đóng góp 300 nghìn đồng. Đồng thời thôn cũng huy động sự đóng góp của các tấm lòng hảo tâm, những người con xa quê. Phương án đóng góp tài chính chia thành nhiều đợt này được nhân dân ủng hộ vì sẽ phù hợp hơn với hầu hết những hộ dân"- ông trưởng thôn Nguyễn Văn Hùng nói.
Đồng chí Nguyễn Văn Đang, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thắng phấn khởi cho biết, năm 2019, Gia Thắng là một trong 4 xã cuối cùng của huyện Gia viễn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, đến thời điểm này, xã đã đạt 16 tiêu chí. Tiêu chí xã xác định là khó hoàn thành đó là xây dựng cơ sở vật chất văn hóa. Toàn xã có 3 thôn thì cả 3 thôn đều phải sử dụng nhà văn hóa tận dụng lại từ những công trình cũ, đã xuống cấp. Mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trong xã đều mong mỏi có nhà văn hóa khang trang nhưng do kinh tế còn khó khăn nên nhiều lần bàn bạc vẫn chưa triển khai được. "Từ thực tế đó, chúng tôi xác định, muốn huy động được sức dân trong xây dựng các thiết chế văn hóa, trước hết phải khuyến khích nhân dân vươn lên phát triển kinh tế.
Khi kinh tế ổn định rồi, không chỉ hoàn thiện được tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, tiêu chí thu nhập mà quan trọng nữa là bà con cũng sẽ có điều kiện để chung tay với địa phương hoàn thiện các tiêu chí khác"- đồng chí Nguyễn Văn Đang, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thắng khẳng định. Theo đó, Đảng bộ xã ra Nghị quyết về giảm nghèo, UBND xã cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, đoàn thể phụ trách, hỗ trợ hội viên giảm nghèo. Với lợi thế về trồng rau màu, xã đã tạo điều kiện để bà con tham gia tập huấn về kỹ thuật gieo trồng, cách lựa chọn những giống cây, con phù hợp với đồng đất và có hiệu quả kinh tế cao, dễ tiêu thụ trên thị trường. Hiện nay, diện tích cây vụ đông của xã khoảng 55 ha. Trong đó, có các cây trồng chủ lực như cà chua, khoai lang, su hào, bắp cải, dưa chuột và một số loại rau ăn lá khác. Giá trị cây vụ đông cho thu nhập bình quân 2,5-4 triệu đồng/sào.
Ngoài ra, Gia Thắng cũng phát huy hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước. Năm 2018, toàn xã có 18 hộ được hỗ trợ bò sinh sản từ dự án đa dạng hóa sinh kế đến cuối năm 2018 đã có 6 hộ thoát nghèo nhờ bò sinh sản. Đồng thời, nhằm tạo nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, xã tuyên truyền, vận động bà con tham gia xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" của xã, đạt trung bình 40 triệu đồng/năm. Với nguồn quỹ này, từ đầu năm 2018 đến nay, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, xã Gia Thắng cũng đã hỗ trợ 6 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở xây mới, sửa chữa nhà ở với mức hỗ trợ từ 5-10 triệu đồng/hộ. Sự hỗ trợ đó góp thêm động lực để người nghèo vươn lên.
Theo thống kê, hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 5,34%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/người/năm. Kinh tế ổn định, người dân dồn sức cùng với địa phương hoàn thiện các tiêu chí để phấn đấu cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2019. Đến nay, ngoài thôn Đào Lâm đã khởi công xây dựng nhà văn hóa, hai thôn còn lại là Quốc Thanh và Vân La cũng đang dần hoàn thiện các điều kiện để kịp khởi công xây dựng nhà văn hóa thôn trong năm 2019 này.
Đào Hằng