Không náo nhiệt, ồn ào như nhiều làng nghề truyền thống khác, làng nghề đan cót Vân Thị khá yên ắng bởi tất cả các công đoạn sản xuất nơi đây đều được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ. Bà Đặng Thị Hường, 57 tuổi, ở xóm Hoàng Long, thôn Vân Thị hiện là 1 trong số ít người còn mặn mà với nghề truyền thống của thôn. Tay vừa thoăn thoắt đan những lá cót, bà Hường vừa kể cho chúng tôi nghe về truyền thống làng nghề đặc biệt của vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trước đây, bà con trong thôn đan cót chẳng kể sớm, tối hay mùa màng, cứ rảnh lúc nào là ngồi vào đan lúc đó. Nghề đan cót đến với người dân Vân Thị như một cơ duyên. Hàng trăm năm trước, nghề đã xuất hiện ở thôn Vân Thị, nhà nhà đều làm nghề, rồi các thế hệ trong gia đình truyền nghề cho nhau. Những gia đình rộng rãi, mọi người kéo đến ngồi cùng đan và trò chuyện vui vẻ, tạo thành nơi sinh hoạt cộng đồng gắn kết. Mỗi ngày, một người đan được từ 3-4 tấm, trừ chi phí nguyên liệu, cho thu nhập khoảng 50 nghìn đồng/người. Mấy năm nay, gia đình bà Hường chỉ có 2 vợ chồng làm nghề.
Bà Hường cho biết thêm: Nghề đan cót là nghề thủ công đơn giản, nguyên liệu chính là nứa. Thời kỳ thịnh vượng nhất của làng nghề là từ những thập niên 50 đến 80 của thế kỷ trước, cả làng có trên 600 hộ làm nghề. Lúc ấy, nguyên liệu chưa được mang đến tận nơi như bây giờ, mà các hộ làm nghề phải đi mua tại các phiên chợ. Từ 2-3 giờ sáng, cả làng đã í ới gọi nhau đi chợ để mua nứa hoặc vầu, giang. Nứa phải vừa già tới và óng ả. Nứa mua về được đem pha rồi ngâm ít nhất từ 3-5 ngày mới vớt phơi khô để sử dụng, như vậy, sản phẩm mới không bị mốc mà đẹp, bền.
Ông Đặng Văn Ngọc, Trưởng thôn Vân Thị cho biết: ở đây, ruộng đất không nhiều nên cả làng đều làm nghề phụ là đan cót. Gọi là "phụ" nhưng các gia đình tập trung làm một ngày cũng có thể đủ gạo ăn hai ngày và mua sắm thêm các vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Thành ra cấy lúa, đan cót cũng chưa hẳn nghề nào chính, nghề nào phụ. Chỉ biết đan cót cho thu nhập ổn định quanh năm. Trước năm 2000, thôn có cả hợp tác xã đan cót. ở HTX, nhiều gia đình nhờ chăm chỉ đan cót mà xây được nhà khang trang. ở thời điểm mùa màng sắp thu hoạch, nhu cầu cót quây thóc tăng nhanh, có gia đình làm cót trong một tháng, mức thu tiền công tương đương một tấn thóc, chẳng thua gì người nhận thêm ruộng khoán. Rồi dần dần theo sự phát triển của xã hội, cuộc sống phát triển, nghề nông được cơ khí hóa, thóc không còn phải chứa bằng cót nữa. Nay cót được sử dụng làm cót ép, các công trình xây dựng dùng cót để trải trên mặt cốt pha đổ bê tông… Mặc dù nghề đan cót vẫn còn "đất" sống, nhưng số lượng tiêu thụ hạn chế nhiều. Do đó, số lao động làm nghề cũng ít đi.
Đồng chí Đặng Đức Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân cho biết: Nghề đan cót Vân Thị được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề năm 2007. Những năm trước, nghề phát triển mạnh nhưng hiện nay do điều kiện phát triển kinh tế mở rộng các khu công nghiệp, làng nghề đan cót vẫn duy trì, tuy nhiên lực lượng lao động giảm đi. Đối với lực lượng lao động trong độ tuổi hầu hết đi làm tại khu công nghiệp, còn lại ngoài độ tuổi lao động hoặc những người không đủ sức khỏe lao động tại các khu công nghiệp mới ở nhà đan cót để tạo việc làm hàng ngày cũng như đảm bảo đời sống. Hiện nghề này phát triển sang một số làng khác trong xã do người làng Vân Thị lập gia đình với người làng khác và mang theo nghề phát triển tại thôn Thiện Hối, Thần Thiệu, Tùy Hối... Toàn xã có khoảng trên 300 hộ làm nghề đan cót, với khoảng 700 lao động đang sản xuất, thu nhập trung bình 70-100 nghìn đồng/người/ngày. Doanh thu mỗi năm từ nghề đan cót trên 3,5 tỷ đồng. Sản phẩm cót làng Vân Thị hiện vẫn tiêu thụ tốt trên thị trường, bà con sản xuất không phải mang ra chợ bán mà thương lái đến tận nhà đặt hàng và lấy hàng.
Để tiếp tục duy trì và phát triển mạnh hơn làng nghề truyền thống, xã và các hộ làm nghề vẫn tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm đầu ra cho làng nghề, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn khi quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Đồng thời là giải pháp hữu hiệu giúp một bộ phận người dân "ly nông không ly hương", duy trì cuộc sống ổn định, hạn chế tỷ lệ tái nghèo tại địa phương.
Bài, ảnh: Tiến Minh