Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Gia Sơn (Nho Quan) đạt được nhiều kết quả trên tất cả các lĩnh vực, trong đó nổi bật là công tác XĐGN.
Gia đình ông Dương Văn An ở thôn Khánh Quyết là gia đình đi đầu trong việc nuôi nhím của xã Gia Sơn. Ông An bắt đầu nuôi nhím từ năm 2007. Trước khi đến với nghề nuôi nhím, ông An đã lăn lộn với nhiều nghề như làm nông nghiệp, làm thuê... Thậm chí ông An đã từng phải vào miền Nam mưu sinh, nhưng cuộc sống vẫn không vơi bớt khó khăn.
Qua các phương tiện truyền thông, ông An nhận thấy cơ hội thoát nghèo từ nuôi nhím. "Tôi bắt đầu nảy sinh ý định nuôi và đi tìm hiểu về nó. Con nhím nuôi đơn giản, ít bệnh tật, thức ăn dễ kiếm, thậm chí nhà có thể cung cấp được" - ông An nói. Tìm hiểu cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, nguồn thức ăn... cho nhím càng củng cố hy vọng trong ông An. Và thế là những cặp nhím đầu tiên được ông An đem về nuôi. Đến nay, ông đã có hàng chục đôi nhím, mỗi năm thu nhập từ nhím đã lên tới hàng trăm triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Trần Đình Tịnh dẫn chúng tôi đi thăm quan một số mô hình làm kinh tế giỏi. Có rất nhiều gia đình khác làm đã giàu lên từ nuôi nhím như: Anh Bùi Tống Tước (thôn Khánh Quyết), anh Bùi Văn Hiển (thôn Đông Minh)… Con nhím đã trở thành vật nuôi giúp nhiều gia đình của xã thoát cảnh nghèo.
Được biết, để công tác XĐGN đạt hiệu quả, xã Gia Sơn đã đề ra chương trình hành động, quan tâm chỉ đạo các Hội, đoàn thể thực hiện có hiệu quả công tác XĐGN, giải quyết việc làm cho nhân dân. Ban chỉ đạo XĐGN của xã được thành lập do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, các thành viên trong Ban chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm, nêu cao vai trò trong việc kiểm tra, giám sát và có nhiều kiến nghị, đề xuất giúp các thôn trong xã thực hiện tốt chương trình XĐGN.
Công tác tuyên truyền về XĐGN được đặt lên hàng đầu với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú giúp người dân có thể vận dụng làm theo. Nhờ đó, đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về công tác XĐGN, khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế của các hộ gia đình.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức điều tra xác định hộ nghèo, xã luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Kết quả bình xét hộ nghèo được công khai trước khi gửi danh sách lên huyện để xin cấp giấy chứng nhận. Việc rà soát hộ nghèo là cơ sở quan trọng để xã tổng hợp, phân tích các số liệu, tỷ lệ hộ nghèo một cách có khoa học, chính xác, tìm ra nguyên nhân dẫn đến nghèo, tái nghèo, để đề ra những giải pháp giảm nghèo phù hợp với điều kiện địa phương và hoàn cảnh của các gia đình nghèo. Cùng với đó, xã đã tranh thủ sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp & PTNT mở các lớp tập huấn cho các đối tượng là hộ nghèo tại các thôn, xóm. Từ đó, giúp bà con nâng cao hiểu biết về KHKT, ứng dụng trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động. Những buổi tập huấn này đã thu hút đông đảo bà con tham gia.
Sự linh hoạt, đa dạng trong hỗ trợ giảm nghèo đã thể hiện thành kết quả cụ thể. Cơ cấu mùa vụ, cây trồng của Gia Sơn dần được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao được đưa vào canh tác như: ngô, khoai tây, bí xanh, khoai năng suất cao KL266… Đặc biệt, diện tích trồng lúa cao sản được mở rộng lên đến 75% tổng diện tích trồng lúa của xã. Ngoài ra, xã còn vận động bà con tập trung chăm bón và thu hoạch vụ lúa tái sinh với năng suất có năm lên tới 60 kg/sào. Nhờ đó, sản lượng lương thực hàng năm của Gia Sơn không ngừng tăng. Nếu như năm 2004, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 1.867,7 tấn, bình quân 501 kg/người/năm thì đến năm 2010, tổng sản lượng lương thực đạt 2.200 tấn, bình quân 555 kg/người/năm, tăng 18% so với đầu nhiệm kỳ.
Điểm nổi bật trong công tác giảm nghèo của xã Gia Sơn chính là đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông như trước đây, Gia Sơn đã vận động, hướng dẫn bà con chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại. Đến năm 2010, tổng số đàn trâu, bò của xã đạt gần 500 con, lợn thịt gần 2.000 con, đàn gia cầm, thủy cầm đạt 41.000 con… Đặc biệt, bên cạnh một số con nuôi truyền thống, nhiều người dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư nuôi các con đặc sản như: nhím, lợn rừng, mật ong, thỏ… cho thu nhập từ 60-100 triệu đồng/năm.
Nhằm tạo điều kiện cho bà con phát triển, mở rộng trang trại, từ năm 2004 đến nay, các tổ chức đoàn thể của xã đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cho bà con vay vốn với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng. Qua khảo sát, bà con sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.
Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của Gia Sơn đã giảm nhanh từ 26% (năm 2006) xuống còn 19% năm 2010 (theo tiêu chí mới). Quan trọng hơn, những giải pháp thoát nghèo đã được kiểm chứng, tạo lập niềm tin với người dân. Cùng với sự năng động của chính quyền, niềm tin ấy đã là động lực mạnh mẽ để người dân tự lực vươn lên thoát nghèo hiệu quả.
Thu Hằng