Là thôn Công giáo toàn tòng với 975 hộ dân, chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống chưa hẳn đã thực sự khá giả nhưng khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, giáo dân trong thôn Lãng Nội (Gia Lập) đã đồng sức, đồng lòng hiến đất, góp công, góp của để chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập... Lãng Nội giờ đây có đường bê tông phẳng lỳ, rộng rãi đến từng hộ thay cho những con đường nhỏ hẹp, gồ ghề trước đây. Nhà văn hóa thôn cũng được xây dựng khang trang đủ sức tổ chức các cuộc họp, hoạt động văn nghệ, TDTT của bà con. Nhưng điều đáng nói hơn cả là cùng với những đổi thay về cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân cũng từng bước được nâng lên. Nếu như cách đây 7 năm, cả thôn có tới hơn 60 hộ nghèo, thì nay con số này chỉ còn một nửa. Ngoài làm nông, bà con trong thôn đã truyền nhau nhiều nghề phụ như thêu ren, may mặc, xây dựng… Đồng chí Trịnh Thị Lương, Phó Bí thư Chi bộ thôn Lãng Nội phấn khởi cho biết: Chung tay xây dựng nông thôn mới, bà con giáo dân trong thôn cũng như con em quê hương đang sinh sống ở mọi miền Tổ quốc đã đóng góp được khoảng 1,2 tỷ đồng cùng nhiều ngày công, đặc biệt có những hộ đã sẵn sàng hiến đất để mở rộng đường với suy nghĩ đó là việc làm cần thiết, là hài hòa giữa lợi ích riêng và lợi ích chung để giúp quê hương ngày càng khởi sắc.
Tìm hiểu về diện mạo mới của Lãng Nội, chúng tôi được đồng chí Phó Bí thư Chi bộ thôn chia sẻ: Đó là sự thay đổi trong nhận thức dẫn đến sự đổi thay về đời sống vật chất và tinh thần của giáo dân nơi đây. Và để có được sự chuyển biến tích cực ấy, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời tạo sự phối hợp mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với cha xứ. Đơn cử trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, Chi bộ đã họp, thống nhất cách thực hiện, sau đó gửi giấy mời cho từng hộ dân đến dự triển khai kế hoạch, còn cán bộ thì lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con… Song song với đó, trong các bài giảng của cha xứ hàng ngày, hàng tuần đều lồng ghép nội dung về ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới, về vai trò chủ thể của người dân trong phong trào này. Với cách làm "mưa dầm thấm lâu" đó, mỗi người đều đã hình thành trong mình niềm tin cũng như trách nhiệm xây dựng nông thôn mới.
Với phương châm sống "tốt đời, đẹp đạo", xây dựng nếp sống, đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc, tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, bà con giáo dân thôn Lãng Nội nói riêng, cũng như bà con giáo dân trong xã nói chung đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Được biết, từ xuất phát điểm đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2011, chỉ sau hơn 3 năm Gia Lập đã hoàn thiện 19/19 tiêu chí. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, Gia Lập đã huy động được hàng trăm tỷ đồng để tập trung đầu tư xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng như: trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, để nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân, xã đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng ngành nghề thủ công, thu hút các doanh nghiệp đầu tư và sản xuất. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 38 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo còn 1,8%, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đồng chí Lê Văn Luận, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Ban Thường vụ Đảng ủy xã xác định rõ huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Đảng ủy thường xuyên chỉ đạo các ban, ngành đổi mới nội dung, phương pháp vận động quần chúng, coi trọng tuyên truyền thuyết phục là chính, với phương châm "gần dân, sát cơ sở". Đặc biệt, với đặc thù là địa phương có hơn 40% đồng bào có đạo, chúng tôi luôn chú trọng phát huy mối đoàn kết lương- giáo để bà con đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi cũng tổ chức lấy ý kiến của các đoàn thể, nhân dân tham gia xây dựng chính sách, quy hoạch, những chương trình, dự án lớn của địa phương, đặc biệt là trong chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tổ chức kiểm tra, giám sát, nắm chắc tình hình cơ sở, phát hiện và xử lý kịp thời những tồn đọng, sai phạm trong tổ chức thực hiện các chương trình kinh tế, xã hội trên địa bàn, phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục động viên đồng bào Công giáo cùng toàn dân tích cực lao động sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao đời sống; thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, trong đó tập trung thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đào Duy