Do sống trong vùng phân lũ, chậm lũ nên người dân ở xã Gia Lạc luôn coi trọng công tác chuẩn bị mỗi khi mùa mưa bão đến. Ông Nguyễn Văn Cần, xã Gia Lạc cho biết: "Trước đây, khi chưa xây dựng đập tràn Lạc Khoái kiên cố, hàng năm 4 xã vùng hữu ngạn sông Hoàng Long gồm Gia Lạc, Gia Sinh, Gia Phong và Gia Minh thường xuyên phải hứng chịu các trận lụt.
Có thể nói, lụt lội ở đây xảy ra khá thường xuyên, có năm lụt đến 2 lần và cách nhau chưa đến 1 tháng. Nhưng từ khi đập tràn được xây dựng kiên cố, nhân dân 4 xã đã thoát khỏi cảnh chạy lũ, tạo điều kiện cho cuộc sống và sản xuất của người dân ổn định và phát triển đi lên.
Tuy nhiên, không vì thế mà nhân dân của vùng chậm lũ nói chung và xã Gia Lạc nói riêng chủ quan trong công tác phòng, chống lụt bão. Riêng gia đình tôi, trước mùa mưa bão đều chuẩn bị các phương tiện, vật tư thiết bị cần thiết như: thuyền, cọc tre, bao bì..., lương thực, thuốc men phục vụ cho việc phòng và chống lũ.
Ngoài ra, tôi còn tuyên truyền để con cái, anh em trong gia đình, dòng họ, hàng xóm láng giềng tích cực chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng đối phó khi tình huống xấu nhất xảy ra".
Ông Trần Duy Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Lạc cho biết: Tuyến đê Hữu Ngạn với tổng chiều dài 17 km chạy qua và bao bọc trên địa bàn các xã: Thượng Hòa của huyện Nho Quan, Gia Minh, Gia Lạc, Gia Sinh của huyện Gia Viễn. Riêng trên địa bàn xã Gia Lạc, đê Hữu chạy qua có chiều dài trên 4 km.
Với điều kiện và địa thế như trên nên Gia Lạc luôn nằm trong những trọng điểm phòng, chống lụt bão của huyện Gia Viễn. Các công trình phục vụ phòng, chống lụt bão trên địa bàn xã cũng vì thế mà được quan tâm, đầu tư, nâng cấp.
Điển hình như đập tràn Lạc Khoái, đây là một công trình lớn nằm trên đê hữu sông Hoàng Long, thuộc xã Gia Lạc. Đập Lạc Khoái được xây dựng năm 1970 và nâng cấp từ năm 2005 - 2009 với chiều dài 730m, cao trình đỉnh tràn +4,0, trạch đất 4,6m.
Khi nâng cấp, đập tràn Lạc Khoái được xây dựng 2 phần: Tràn điều tiết và tràn sự cố. Phương án vận hành tràn Lạc Khoái được thực hiện theo nguyên tắc: Khi mực nước sông Hoàng Long làm ảnh hưởng đến an toàn các tuyến đê, tiến hành phân lũ bằng biện pháp mở 24 khoang cửa vào vùng hữu.
Sau khi mở 24 cửa tràn mà nước sông Hoàng Long tiếp tục lên, vẫn có nguy cơ vỡ các tuyến đê sông tiến hành vận hành tràn sự cố.
Công trình đập tràn Lạc Khoái tại xã Gia Lạc được đưa vào vận hành đã chủ động điều tiết lũ, góp phần bảo vệ các tuyến đê sông Hoàng Long, bảo đảm tài sản, tính mạng của nhân dân 10 xã vùng úng trũng của các huyện Nho Quan, Gia Viễn.
Bên cạnh công trình thủy lợi lớn là tràn Lạc Khoái ra, Gia Lạc còn một công trình thủy khác nữa là âu thuyền Lê. Đây là công trình kết hợp, vừa có chức năng điều tiết nước, đồng thời cũng là công trình giao thông thủy, giúp cho thuyền bè qua lại giữa hệ thống sông Hoàng Long và trong đồng một cách dễ dàng. Trước đây, âu thuyền vận hành hoàn toàn bằng tay, nay đã được nâng cấp và vận hành bằng điện.
Ngoài ra, Gia Lạc còn có gần 1 km đê Bắc sông Rịa, một số cống qua đê và một số vị trí khá phức tạp khác như: cống xả của trạm bơm đứng ở khu vực chợ Khoái, cống cửa ông Tý, cống cửa ông Thức ở Mai Sơn... đều được đầu tư xây dựng kiên cố, đáp ứng tốt cho công tác phòng, chống lụt bão trên địa bàn xã.
Năm 2016, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, cùng với công tác kiểm tra, xử lý các sự cố trên các công trình phòng, chống lụt bão, xã Gia Lạc đã kịp thời thành lập Ban chỉ huy và xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, chú trọng chuẩn bị các điều kiện theo phương châm 4 tại chỗ và kịp thời triển khai theo đúng phương án đã đề ra.
Khi xả tràn Lạc Khoái, các thành viên trong Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của xã sẽ chỉ đạo các đoàn thể tích cực chống lũ, hộ đê và ứng cứu đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Đến nay, xã Gia Lạc đã hợp đồng và chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư, lực lượng, kinh phí theo đúng phương châm "4 tại chỗ". Trong đó vật tư, phương tiện gồm có: 3 thuyền máy tải trọng từ 4-10 tấn; 8 ô tô từ 3-10 tấn; 30 xe lôi tay; 2.000 cọc tre; 5.000 bao tải; 80 cuốc, xẻng...
Mỗi hộ dân trong xã cũng chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để chống bão lụt gồm: cuốc, xẻng, gác xép có tải trọng từ 300kg trở lên, cọc tre dài 2,5m và chuẩn bị từ 1-10 ngày lương thực, thực phẩm chất đốt... Có thể khẳng định, với sự chuẩn bị tích cực về mọi mặt cùng với những kinh nghiệm đã đúc rút được Gia Lạc sẽ chủ động ứng cứu có hiệu quả khi có thiên tai, xảy ra, đảm bảo an toàn về người và tài sản trong mùa mưa bão.
Bài, ảnh: Giáng Hương