Những ngày sau Tết, lượng khách mua hàng tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng chính như thực phẩm tươi sống và một số đồ phục vụ cúng lễ theo phong tục truyền thống của các gia đình. Tuy nhiên, không như những năm trước, giá các mặt hàng rau xanh, thịt các loại, hải sản tươi sống... thường tăng đột biến, thì năm nay, các mặt hàng này hầu như không có biến động nhiều.
Ghi nhận tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Ninh Bình, giá các mặt hàng thịt lợn, thịt bò không tăng, chỉ có một vài mặt hàng thủy sản như tôm, cua, cá tăng khoảng 10-15% so với những ngày giáp Tết. Cụ thể như: Giá thịt lợn mông sấn từ 180-200 nghìn đồng/kg, thịt lợn thăn từ 200-220 nghìn đồng/kg; thịt bò loại I, có giá từ 280-350 nghìn đồng/kg tùy loại thịt; gà ta có giá từ 110-120 nghìn đồng/kg; tôm sú loại 30 con/kg có giá trên 400 nghìn đồng/kg; cá trắm, chép, chuối..., có giá từ 80-120 nghìn đồng/kg tùy loại...
Đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, mọc, ruốc..., hầu như không tăng giá. Như giò nạc, mọc dao động từ 180-200 nghìn đồng/kg, giò bò từ 280-300 nghìn đồng/kg; chả có giá khoảng 180 nghìn đồng/kg...
Còn các loại rau xanh, củ quả, trái cây cũng chỉ tăng nhẹ so với ngày thường. Như rau bắp cải 10 nghìn đồng/chiếc; su hào từ 8-10 nghìn đồng/củ; cà chua, khoai tây vào khoảng 10-15 nghìn đồng/kg; các loại rau cải xanh, cải cúc, xà lách.., chỉ từ 3-5 nghìn đồng/mớ. Các loại trái cây như chuối, táo, cam, dưa hấu... số lượng hàng cũng khá dồi dào và giá cả ổn định, vào khoảng từ 15-20 nghìn đồng/kg.
Tại các siêu thị như BigC, Hapro Mart, Vinmart..., lượng hàng hóa vẫn rất dồi dào và không có biến động về giá cả. Hơn nữa, nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh để bảo đảm an toàn cho khách hàng và người bán hàng, nên vẫn khá đông khách hàng đến mua sắm những ngày sau Tết.
Như tại siêu thị BigC, giá bán thịt bò ba chỉ Mỹ vẫn giữ 180 nghìn đồng/kg; thịt ba chỉ, nạc vai lợn có giá 200 nghìn đồng/kg; gà nhập khẩu có giá 70 nghìn đồng/kg; các loại quả nhập khẩu như nho, táo, lê, cam... vẫn giữ giá ổn định, vào khoảng 280-380 nghìn đồng/kg. Nhiều mặt hàng rau xanh, củ quả trong nước được nhập với số lượng nhiều, còn giảm giá từ 10-15% do sức tiêu thụ chậm.
Theo lý giải của những người bán hàng và đại diện các cửa hàng, siêu thị kinh doanh thực phẩm, giá cả hầu hết các mặt hàng thực phẩm sau Tết Nguyên đán năm nay không tăng giá hoặc tăng rất ít. Một phần là do dịch bệnh COVID-19 khiến sức mua của người dân giảm. Nguyên nhân khác là do nguồn cung thực phẩm năm nay khá dồi dào, trong khi trước Tết sức tiêu thụ chưa cao. Cùng với đó, thời tiết những ngày trước và trong Tết khá ấm áp, thuận lợi cho sự phát triển của các loại rau xanh.
Chị Trần Thị Thúy Hà, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) cho biết, thường sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, giá cả các loại hàng hóa thường tăng, nhất là mặt hàng thực phẩm luôn tăng cao, khiến người tiêu dùng hay có suy nghĩ tích trữ từ trước Tết cho an tâm. Tuy nhiên, một vài năm gần đây, đặc biệt là sau Tết Tân Sửu năm nay, ngay từ mùng 2 Tết tôi đã đi chợ và thấy các mặt hàng nhu yếu phẩm chỉ tăng chút ít, còn thực phẩm đóng gói sẵn hầu như không tăng.
Đây là điều tốt, thay đổi suy nghĩ cho người tiêu dùng không mua bán, tích trữ quá nhiều hàng hóa, thực phẩm trước Tết. Bởi đó vừa là để đảm bảo ATTP, đồng thời góp phần bình ổn, điều hòa thị trường cung-cầu trong những thời điểm nhu cầu về hàng hóa tăng cao...
Theo nhận định của nhiều người kinh doanh, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và xu hướng thời đại, nên phương thức mua hàng cũng có nhiều thay đổi. Một bộ phận người tiêu dùng lựa chọn mua bán trực tuyến, qua các hình thức trên mạng online, nhằm tránh đến những nơi đông người, tiết kiệm được thời gian và một phần có thể so sánh, lựa chọn được sản phẩm, giá bán của nhiều nhà cung cấp có chất lượng cao...
Hơn nữa, trong thời gian trước Tết, việc các chợ, cửa hàng, siêu thị, quầy hàng tiện ích... mở cửa phục vụ người dân tới tận ngày 30 Tết và sớm mở cửa trở lại phục vụ từ ngày mùng 2, mùng 3 Tết, góp phần hạn chế tâm lý mua sắm nhiều, dự trữ hàng hóa của người dân. Từ đó, nhìn chung, giá cả các mặt hàng trên thị trường thời điểm sau Tết không có biến động nhiều...
Được biết, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa trước và trong dịp Tết Tân Sửu, các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan như Công thương, Nông nghiệp, Quản lý thị trường, Công an... đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh... nhập bán, trao đổi các mặt hàng phục vụ Tết, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, tăng giá hàng hóa.
Huy Hoàng