Có một lần đồng chí cấp dưỡng phục vụ Bác mang cơm cho Bác ăn gồm một bát canh, 1 đĩa cá rán, Bác nhìn đĩa cá rán Bác hỏi "Cá này là cá Anh Vũ ở ngã ba sông Bạch Hạc có phải không chú?" / "Thưa Bác! Vâng ạ! Tỉnh ủy Phú Thọ gửi biếu Bác, chúng con làm để Bác dùng". Bác bảo "Cá này ngon lắm đấy!", thế là cấp dưỡng rất thích bởi Bác khen ngon tức là Bác sẽ ăn ngon miệng, nào có ngờ đâu Bác không ăn. Bác bảo "Cất đi chiều mới ăn", đồng chí cấp dưỡng lại thưa Bác! Bác cứ dùng đi chiều hãy còn, nhưng Bác bảo cất đi chiều mới ăn.
Vì sao đây? Bác nói là: "Chú Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) thích món cá này lắm, mà chú Tô đi công tác vắng chiều tối mới về, đợi chú Tô về ăn một thể, Bác ăn bát canh này thôi". Bác là thế! Có miếng ăn ngon cũng dành cho người bạn, Bác coi như con cháu anh em. Bác đúng là người "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước thiên hạ, hưởng vui sau thiên hạ, quên mình đi).
Cán bộ chúng ta rất thành tâm, động cơ tốt, trong sáng, nhưng hiểu không đúng, muốn được Bác khen giản dị, khi đi đón Bác rủ nhau mặc giống hệt Bác. Ô tô của Bác đến điểm đầu của một tỉnh, Bác thấy một đoàn người xếp hàng ngang có ý chờ Bác mà ăn mặc rất là giống nhau quần nâu, áo vải, có người còn cả mũ lá, vắt khăn mặt trắng trên vai, xắn quần ống cao ống thấp, như hình ảnh Bác ra trận địa năm 1950 ở biên giới vậy.
Bác buồn cười lắm, Bác cứ tủm tỉm cười, xuống xe Bác mới hỏi hóa ra toàn Bí thư, Chủ tịch tỉnh cả đấy các đồng chí ạ! Bác nói một câu rất hóm hỉnh "Các chú đóng kịch cho Bác xem khéo quá. Bây giờ các chú về thay quần áo đi, Bác đợi để làm việc". Rõ ràng, Bác rất có ý thức về chuyện tương xứng giữa nội dung với hình thức.
Mấy vị lãnh đạo về lại bảo với nhau: ăn mặc giản dị thì Bác phê bình nên lần sau ăn mặc sang trọng vào, thế là lại com lê sang trọng, giày da bóng loáng. Gặp Bác, Bác lại tủm tỉm cười, Bác bảo "Hôm nay, Bác rủ các chú đi tát nước cơ mà".Thực sự, học Bác là học cái tâm, học cái trí của Bác để phục vụ dân cho thật tận tụy chứ không học Bác kiểu khiên cưỡng, máy móc.
Có lần, Bác đứng trên đồi cao nói chuyện với hàng chục vạn đồng bào của Nghệ An, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh chạy lên để che ô cho Bác, sợ Bác nắng, Bác mỉm cười nói rằng "Liệu các chú có một vạn cái ô ở đây không? Bác có phải ngoại lệ đâu, thôi cất đi để Bác nói chuyện, dân chịu được thì Bác cũng chịu được"
Buổi sáng, Bác đi tập thể dục, mọi người gặp Bác thì xuống xe chào Bác, có chị phụ nữ lúng túng đổ cả xe, Bác đến nâng cho, Bác đỡ xe xong, Bác bảo: "Thôi ngày nào chả gặp Bác ở đây, các cháu đừng phải nhảy xuống xe chào Bác làm gì cho nó mệt ra, chỉ cần gật đầu với Bác, mỉm cười với Bác là đủ rồi, vả lại Bác có phải là vua đâu mà các cô, các chú cứ "Hạ mã " mãi thế".
Buổi trưa, cán bộ giúp việc vào dọn phòng cho Bác, thấy Bác không nghỉ, lại ngồi cặm cụi khâu từng chiếc khuy áo, thương Bác quá mới òa lên khóc, Bác bảo "Không sao cả, Bác vẫn mặc được, để Bác mặc, mỗi đồng tiền chúng ta tiêu dùng là mồ hôi nước mắt của dân, phải tiết kiệm".
Thế là cán bộ giúp việc cứ nằng nặc đòi thay áo mới cho Bác, nhưng Bác không đồng ý, khi nào cần Bác mới cho thay. Sau này, tranh thủ lúc Bác đi công tác vắng, cán bộ giúp việc may áo khác để vào chỗ đó, Bác phát hiện ra, khi họp Trung ương Bác đem chuyện đó ra, Bác nói "Chủ tịch nước mà biết mặc áo vá là có phúc cho dân đấy".
Thương Bác sống kham khổ, các chiến sỹ mới rủ nhau lên rừng săn bắt chim, xuống suối câu cá để cải thiện cho Bác một bát canh, vì Bác gầy yếu quá. Đi qua nhà dân thấy măng ngon, các đồng chí bẻ luôn một bó mang về, không có hỏi han mua bán gì cả, về đến nơi nói dối Bác là cháu bẻ măng trong rừng ạ!
Bác bảo đưa Bác xem, Bác xem xong, Bác bảo: "Bác cho chú một đồng bạc, chú quay lại cái chỗ mà chú bẻ măng tìm nhà dân mà trả cho người ta, đây là măng trồng chứ không phải măng rừng đâu, lần sau phải mua, chứ không được làm tùy tiện thế", thế là phải quay lại tìm bằng được người dân và kể hết đầu đuôi câu chuyện cho dân nghe, nghe xong người dân khóc và bẻ một bó măng nữa đem về biếu Bác.
Bác còn chữa cho cán bộ căn bệnh hay mắc phải đó là bệnh ba hoa, làm ít nói nhiều. Chuyện kể rằng, hai Bác cháu đi câu cá, cùng bỏ cá vào một chiếc giỏ, chiều tối về Bác bảo "Chú mang giỏ cá vào nhà bếp các cô cấp dưỡng làm cơm cả cơ quan cùng ăn, Bác cháu mình cùng ăn cho vui".
Người cán bộ vào nhà bếp gặp mấy em gái xinh xắn quá quên hết lời Bác dặn bảo anh tặng em cả giỏ cá đầy ắp, anh câu từ chiều đến giờ, còn Bác, Bác đi chơi chứ Bác có câu đâu. Ba hoa và rất liều lĩnh. Hôm sau hai Bác cháu vẫn đi câu bình thường như không có chuyện gì xảy ra cả.
Không mắng mỏ, không giận dỗi, nhưng Bác rất khéo câu được con nào, Bác bấu luôn đuôi, được một hồi, Bác mới tạo ra tình huống rất tự nhiên bảo: "Hôm nay, Bác không được khỏe chú ạ! cho Bác về sớm được không?" Trên đường về, Bác ngắm nhìn bãi cỏ xanh bằng phẳng có thể chia cá được, Bác bảo: "Nghỉ một lát cho đỡ mệt chú ạ", thế là hai Bác cháu ngồi nghỉ, Bác bảo: "Hay là hai bác cháu mình thử chia cá xem sao? Con nào của Bác thì Bác đánh dấu rồi đấy, còn lại chắc là của chú". Thế là người cán bộ có tật giật mình mặt cứ đỏ nhừ lên và xin lỗi Bác.
Bác sang thăm CHDC Đức, Đại sứ mình thấy Bác sang thăm, mời Bác đi thăm sứ quán và làm cơm mời Bác. Bác khen: "Các cô, các chú làm cơm cho Bác ăn ngon lắm, rất hợp khẩu vị, lại biết Bác thích ăn ớt dành cho Bác quả ớt cay ngon lắm".
Thấy Bác khen, ông Đại sứ sướng quá bảo: "Thưa Bác, ớt chúng cháu tăng gia đấy ạ!". Bác chỉ cười không nói gì, vì Bác ở châu Âu 30 năm xứ lạnh chỉ có ớt ngọt, khó trồng được ớt cay. Bữa cơm vừa xong, Bác cầm tay ông Đại sứ bảo: "Bây giờ chú đưa Bác đi thăm vườn ớt của chú nào?". Ông Đại sứ rất xấu hổ. Bác phá tan bầu không khí bằng câu "Việc đến đâu chú nói đến đó thôi". Bệnh ba hoa không chữa sẽ thành dối trá, người cán bộ, đảng viên dứt khoát phải tránh tính ba hoa.
Bác đến thăm Trường Đại học tổng hợp của Liên Xô, sinh viên từ phía dưới hỏi lên: "Bác ơi! Liệu bao giờ Bác có bác gái ạ!". Bác trả lời: "Khi nào Bác có bác gái nhất định Bác sẽ báo tin mừng cho cháu". Trung ương Hội Phụ nữ cứ hỏi vòng vo tam quốc để là xem ý Bác thế nào. "Thưa Bác! chúng con rất thương Bác, vì chúng con mà Bác không có cuộc sống riêng. Nhưng giả sử Bác có người yêu thì tiêu chuẩn người yêu của Bác như thế nào?".
Bác cười và bảo: "Đã không lấy vợ thì thôi, các cô, các chú cứ giục Bác lấy vợ, thì tiêu chuẩn đầu tiên của Bác là phải đẹp". Tài giỏi là đương nhiên nhưng phải đẹp. Thế cho nên khi Bác tiếp khách quốc tế, nếu là tiếp khách nam giới thì Bác kể chuyện tiếu lâm bằng ngôn ngữ của nước họ, còn nếu khách quốc tế là phụ nữ như là con gái Thủ tướng Pê ru, nhà văn Pháp… Thì Bác tiếp rất ân cần và Bác tiễn ra tận cửa phòng khách được trải thảm đỏ và không quên đặt lên tay họ một đóa hồng, thế là phóng viên, nhiếp ảnh chụp ảnh tới tấp và họ đưa tin về nước đăng tít rất dài trên báo là "Hồ Chí Minh nửa thế kỷ làm cách mạng, vẫn ga lăng như thường".
Bác là người như thế, lịch lãm, trí tuệ, hào hoa, phong cách như vậy, không khô cứng giáo điều. Bác nói ở đời này ai cũng là con người, đời thường không ai là thánh thần cả và chủ nghĩa Mác- Lênin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải giáo điều. Bác bảo là người ai cũng có khuyết điểm, càng làm việc, càng giữ chức vụ càng có khuyết điểm, điều đó không sao cả, điều quan trọng là có sửa chữa khuyết điểm đó hay không.
Bác bảo, Bác cũng có khuyết điểm, bác khuyên thanh niên, các cháu học Bác điều gì thì tùy các cháu, nhưng theo Bác có hai điều các cháu đừng học: Một là hút thuốc lá; hai là Bác không lấy vợ, các cháu không thế được. Bác lại nói chỉ có hai loại người sẽ không có khuyết điểm hoặc sẽ không còn khuyết điểm nữa đó là trẻ em còn nằm trong bụng mẹ và người đã nằm trong áo quan. Chứ còn đã sống, đã làm việc thì vẫn còn khuyết điểm.
Bác chữa một căn bệnh cho cán bộ Nhà nước, công chức Nhà nước đó là căn bệnh quan liêu, tham nhũng, căn bệnh này làm Bác lo lắng, Bác chữa bằng đủ mọi cách, trong đó Bác đặc biệt chú trọng đến cách đánh vào lương tâm và danh dự để ai cũng biết xấu hổ, biết dừng lại trước khi quá muộn.
Bác triệu tập một phiên họp Chính phủ toàn Bộ trưởng, Thứ trưởng đến họp rất đông, Bác cho mời mở rộng Chủ tịch các tỉnh và các đầu ngành về họp. Bác đến sớm, Bác bảo kê sẵn cho Bác bàn chủ trì ra phía cửa, mở cửa ra ai vào thấy Bác cũng chào, Bác còn bảo mở sẵn cho Bác một thùng cát tông rất to đựng đầy ắp bút máy, ai vào thấy Bác cũng chào Bác, có người còn hỏi: Thưa Bác! ai biếu mà Bác lắm bút máy thế ạ? Bác trả lời rất hóm hỉnh: "Nào có ai biếu Bác đâu, Bác mua bằng tiền lương của Bác đấy, tý nữa Bác sẽ tặng các cô, các chú mỗi người một chiếc để làm việc".
Thế rồi, Bác phát cho mỗi người một chiếc, ai cũng vui mừng, phấn khởi cầm bút lên ngắm nghía rất trân trọng, đến lúc lật thân bút ra như một thói quen tự nhiên, thì trên đó đã khắc sẵn một dòng chữ, đọc dòng chữ này không ai nói với ai câu nào, Bác đã cho khắc một câu là: "Bút chống tham nhũng", Bác sâu xa, thâm thúy, phương châm của Bác là không cần đao to búa lớn, biến đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự.
Giữa hai cơn đau tim, lúc tỉnh Bác lại hỏi: "Sắp đến ngày khai giảng rồi các chú lo trường sở, sách bút cho các cháu đến đâu rồi?". Bác hỏi "Đê vỡ có nhiều không? Có sơ tán kịp dân đi không?". Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp Bác: "Thưa Bác, tình hình rất là nguy ngập, đê vỡ như thế mà Mỹ lại có kế hoạch ném bom hủy diệt toàn bộ đê điều Bắc Bộ, nếu như vậy Hà Nội sẽ là biển nước, mong Bác đi một nơi thật cao, thật xa để dưỡng bệnh cho Trung ương, cho Đảng và dân an lòng".
Bác khóc, Bác bảo "Đừng để Bác đi đâu xa cả, cho Bác ở đây thôi, cần thì đưa Bác xuống nhà ngang để các bác sĩ chăm sóc Bác dễ hơn, Bác không đi đâu cả, đừng để Bác đi xa dân, Bác không thể bỏ dân mà đi được". Bác cứ nắm chặt tay Thủ tướng mà Thủ tướng đứng ngay đầu giường, mắt Bác mờ, Bác không nhìn rõ ai cả, Bác hỏi "Chú Tô đâu?/ Thưa Bác, Bác cần gì ạ!/ Bác bảo "Tính cho Bác, Quốc khánh năm nay là lần thứ bao nhiêu? Thưa Bác! Hai mươi bốn năm, Bác lại nói nhỏ thì thầm "Hai giáp có phải không chú?", Bác bảo "Đốt pháo hoa cho dân chúng mừng, Bác không ra được với dân nữa rồi, hay chú cố dìu Bác ra một lúc có được không? (Bác muốn ra để vĩnh biệt dân).
Bác có hay đâu rằng Trung ương đã bàn mà không cho Bác biết, sợ Bác mất, tang gia bối rối, nên đã tổ chức kỷ niệm Quốc khánh sớm lên. Khi đọc diễn văn, mà mặt Thủ tướng cứ buồn rười rượi, nhân dân lo lắm và cũng đã linh cảm được điều không hay, nhất là khi nhìn lên lễ đài không thấy Bác đâu. Bác dặn "Chú là Thủ tướng, đọc diễn văn phải vui lên, đừng để dân chúng buồn"…
Cả hội trường lặng phắc, chỉ vang lên tiếng giảng bài của giáo sư, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi, những dòng ghi hối hả, những gương mặt ánh lên niềm xúc động, sự lan tỏa nghẹn ngào thành kính về cuộc đời dung dị mà vĩ đại bao la của Bác.
Từng lời, từng chữ chứa chan tình cảm của giáo sư dường như thấm đẫm vào từng đại biểu, giúp mỗi đại biểu ghi đậm, hiểu biết sâu sắc thêm về tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ - Người thầy của cách mạng Việt Nam, Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người chiến sỹ cách mạng kiên cường và là người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ, hy sinh, vô cùng phong phú và cao đẹp. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta. Người đã để lại cho chúng ta di sản hết sức quý báu, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một tấm gương vô cùng trong sáng và cao đẹp, tượng trưng cho tinh hoa Việt Nam. Người không chỉ là nhà văn hóa lớn, sáng tạo ra một nền văn hóa mới - Văn hóa Việt Nam, kiến tạo ra một thời đại mới trong lịch sử phát triển của nền văn hóa dân tộc, mà chính bản thân Người, cuộc sống của Người, những việc làm bình thường hàng ngày của Người là hiện thân của nền văn hóa Việt Nam, là mẫu mực của con người Việt Nam.
Sau lời kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, hội nghị dừng lại trong sự hẫng hụt tiếc nuối..., các đại biểu rời hội trường với những cảm xúc trào dâng.
Tin rằng, những lĩnh hội tại hội nghị và tình cảm sâu nặng của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Ninh Bình đối với Bác Hồ kính yêu sẽ là nền tảng vững chắc, ngọn đuốc soi đường để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân nguyện sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại; gương mẫu, đi đầu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhớ lời Bác, học tập và làm theo Bác, chúng ta lòng dặn lòng "Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn".
Hương Lan
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)